Tôn giáo và văn hóa Đông Nam Á

 

Description: https://sachsuthattphcm.com.vn/wp-content/uploads/2017/03/tgvvhdna.jpg

 

 

Tác giả:  Trương Sỹ Hùng

Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật

 Năm xuất bản: 2017

   Địa chỉ tài liệu: DSVTKM 001389-93;

                            Phòng đọc 1 - Giá Tôn giáo.

Đông Nam Á là khu vực có nền văn hóa lâu đời. Sự tiếp biến trong quá trình giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Phương Tây cùng với sự góp mặt của bốn tôn giáo lớn và tín ngưỡng bản địa đã mang đến cho Đông Nam Á một bức tranh văn hóa đa dạng, đặc sắc và giàu ý nghĩa. Cuốn sách “Tôn giáo và văn hóa Đông Nam Á” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành cung cấp cho bạn đọc những kiến thức bổ ích về tôn giáo và văn hóa ở khu vực này.

Sách gồm 5 chương:

Chương I: Vai trò của bốn tôn giáo lớn đối với việc phổ biến chữ viết ở Đông Nam Á. Các quốc gia Đông Nam Á đều xây dựng chữ viết riêng cho dân tộc mình từ chữ Pali- Sanskrit (chữ Khmer, Chăm, Thái, Lào,...) và chữ Hán (chữ Nôm của Việt Nam). Từ thế kỷ XIII, các quốc gia hải đảo Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của đạo Hồi, chữ viết Arập chuyển tải nội dung Hồi giáo được mang vào Malaysia, Indonesia. Với sự can thiệp của các giáo sĩ phương Tây, chữ viết của một số quốc gia Đông Nam Á được chuyển đổi theo hướng Latinh hóa để dễ đọc, dễ nhớ như chữ viết của Việt Nam.

Chương II: Vai trò của tôn giáo trong sáng tác văn học Đông Nam Á. Phân tích tầm quan trọng của Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo trong sáng tác văn học của một số nước như Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Mianama. Sáng tác văn học ở Đông Nam Á gắn liền với các sự tích, thần tích, truyền thuyết, nhân vật lịch sử để góp phần giáo dục con người có lối sống tốt đẹp, đoàn kết, xây dựng xã hội ổn định, tiến bộ.

Chương III: Nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc tôn giáo trong đời sống văn hóa Đông Nam Á. Nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc ở Đông Nam Á chịu nhiều ảnh hưởng từ Ấn Độ như: kiến trúc Angkor Wat, Angkor Thom, Borobudur,… Loại hình nghệ thuật này được người dân tiếp thu, chọn lọc kết hợp với nghệ thuật bản địa rồi sáng tạo, hình thành nên nghệ thuật kiến trúc mang dấu ấn của dân tộc mình.

Chương IV: Tôn giáo hòa nhập với lễ hội dân gian trong đời sống văn hóa Đông Nam Á. Do ảnh hưởng từ Ấn Độ giáo, Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo nên người dân Đông Nam Á tổ chức nhiều lễ hội đa dạng, phong, đặc biệt là Lễ Tết. Lễ hội dân gian phản ánh hiện thực đời sống, góp phần gìn giữ, bảo lưu những giá trị truyền thống của mỗi dân tộc.

Chương V: Tổng luận. Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của đời sống. Văn hóa Đông Nam Á ngày nay vừa là sự kế thừa, phát huy vốn văn hóa truyền thống vừa là sự tiếp thu có chọn lọc những yếu tố mới từ phương Đông lẫn phương Tây. Mỗi nước lại có cách tiếp nhận và sàng lọc riêng góp phần tạo nên nền văn hóa đa dạng tại khu vực này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!