Tư tưởng Hồ Chí Minh về lập hiến nội dung và giá trị

 

 

 

  Tác giả: TS. Lê Thị Hằng

  Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật

  Năm xuất bản: 2020

  Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 1 – Giá Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tư tưởng lập hiến là nội dung quan trọng có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong kho tàng lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về pháp quyền. Tư tưởng ấy đã trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước. Cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh về lập hiến nội dung và giá trị của TS. Lê Thị Hằng giúp bạn đọc có cái nhìn sâu sắc toàn diện về tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh.

Mở đầu cuốn sách, tác giả trình bày cơ sở, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh. Việc nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng và kế thừa các quan điểm, trào lưu tư tưởng lập hiến trên thế giới, tư tưởng của các nhà cách mạng tiền bối ở Việt Nam là tiền đề hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về lập hiến. Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, bản lĩnh chính trị, trí tuệ thiên bẩm, tư chất ham học hỏi, nhạy bén với cái mới - những phẩm chất cá nhân đó là thành tố không thể thiếu góp phần hình thành tư tưởng lập hiến của Người. Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về lập hiến được chia làm bốn giai đoạn với hai thời kỳ: trước năm 1945 (thời kỳ tiếp xúc, học hỏi tư tưởng lập hiến tiến bộ trên thế giới để Hồ Chí Minh hình thành những quan điểm cơ bản nhất về vấn đề lập hiến); từ sau năm 1945 đến năm 1969 (tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh được hiện thực hóa trong quá trình chỉ đạo xây dựng Hiến pháp).

Phần tiếp theo, tác giả đề cập đến nội dung tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh. Người đã sớm nhận thức được vai trò của lập hiến trong việc khẳng định chủ quyền dân tộc, xây dựng thể chế chính trị quốc gia, đảm bảo quyền con người của nhân dân Việt Nam. Vì vậy, ngay sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, Hồ Chí Minh đã đưa nhiệm vụ “xây dựng bản Hiến pháp dân chủ” là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về lập hiến là một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc. Người khẳng định nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến. Để quyền lập hiến thực sự thuộc về nhân dân thì phải thể hiện qua quyền bỏ phiếu thông qua Hiến pháp bằng hình thức trưng cầu dân ý. Hồ Chí Minh đã lựa chọn “mô hình hiến pháp dân chủ” trong đó nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Người chủ trương xây dựng cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước theo hướng tập quyền xã hội chủ nghĩa dựa trên nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Người nêu quan điểm tiến bộ về những vấn đề cốt lõi của một bản hiến pháp, ghi nhận các quyền tự nhiên, cơ bản, chính đáng của con người.

Những phân tích, đánh giá của tác giả được trình bày ở phần cuối sách giúp bạn đọc nhận thức sâu sắc hơn giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về lập hiến. Có thể nói tư tưởng của Người là sự kết tinh các giá trị tư tưởng lập hiến dân tộc và nhân loại, góp phần bổ sung, phát triển lý luận về lập hiến trong điều kiện Việt Nam. Tư tưởng ấy đã khởi xướng, đặt nền móng cho tư tưởng lập hiến Việt Nam hiện đại và vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Sách là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm vấn đề lập hiến trong tư tưởng của Hồ Chí Minh.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!