Thực hiện quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

 

 

 

Tác giả: Trần Thị Liên

Nhà xuất bản: Tư pháp

Năm xuất bản: 2021

Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 02 – Giá số 19.

Cuốn sách “Thực hiện quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự” của TS. Trần Thị Liên phân tích toàn diện và có hệ thống vấn đề thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trên cơ sở nghiên cứu lý luận và đánh giá thực tiễn thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, tiếp cận dưới góc độ cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Mở đầu cuốn sách, “Một số vấn đề lý luận về quyền công tố và thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự” giúp bạn đọc nắm rõ khái niệm, đặc điểm, nội dung, mối quan hệ giữa thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.

Tiếp theo, tác giả khái lược lịch sử phát triển quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Thông qua nghiên cứu đánh giá toàn diện thực trạng quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thực hiện quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tác giả trình bày kết quả đạt được, hạn chế vướng mắc và làm sáng tỏ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế trong quy định pháp luật về vấn đề này.

Việc nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là yêu cầu của cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng hình sự nói chung và pháp luật về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nói riêng. Xuất phát từ những yêu cầu trên, tác giả gợi mở một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hành pháp luật về quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn này. Giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật được thực hiện trên cơ sở đánh giá toàn diện những bất cập trong quy định của pháp luật tố tụng hình sự từ nguyên tắc chung đến quy định cụ thể. Vì vậy, các giải pháp này có tính hệ thống đảm bảo sự phù hợp về nguyên tắc, chức năng tố tụng với các quy định về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Bên cạnh đó, tác giả đưa ra giải pháp khác như: đảm bảo số lượng, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực quản lý chỉ đạo, phân công, phân nhiệm của Viện Kiểm sát các cấp, kiện toàn cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ chính sách đối với cán bộ Kiểm sát viên.

Sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, sinh viên và bạn đọc quan tâm đến vấn đề thực hiện quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!