Thể chế về luật sư và hành nghề luật sư trong nhà nước pháp quyền

 

 

 

Tác giả: Nguyễn Văn Tuân

Nhà xuất bản: Tư pháp

Năm xuất bản: 2021

Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 02 – Giá 06.

 Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc nâng cao năng lực, hiệu quả của hoạt động tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhà nước đã từng bước thể chế hoá các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, bổ trợ tư pháp trong đó có thể chế về luật sư và hành nghề luật sư. Cuốn sách Thể chế về luật sư và hành nghề luật sư trong nhà nước pháp quyền trình bày khái quát về luật sư và hành nghề luật sư trong nhà nước pháp quyền. Trên cơ sở phân tích thực trạng các quy định của Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi bổ sung năm 2012), tác giả đề xuất nhiều giải pháp góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này.

Mở đầu cuốn sách, trình bày những vấn đề chung về luật sư và hành nghề luật sư trong nhà nước pháp quyền, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nhà nước pháp quyền và vai trò của luật sư trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đồng thời tác giả nêu đặc điểm, trách nhiệm và đạo đức nghề luật sư, thể chế, quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư từ năm 1945 cho đến nay.

Đến với chương 2 “Thực trạng pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư”, tác giả làm sáng tỏ các quy định liên quan đến tiêu chuẩn, đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề luật sư; các dịch vụ pháp lý, phạm vi hình thức, thù lao, chi phí hành nghề luật sư; việc hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư; tổ chức xã hội - nghề nghiệp, xử lý kỷ luật và xử lý vi phạm hành chính đối với luật sư cũng được tác giả phân tích khá chi tiết trong phần cuối chương.

Từ nghiên cứu thực trạng pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, tác giả chỉ ra những hạn chế, tồn tại và bất cập về: Khái niệm luật sư, thẩm quyền công nhận luật sư và quyền hành nghề luật sư; phạm vi và hình thức hành nghề luật sư, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước và của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; sự phân định trong mối quan hệ giữa xử lý kỷ luật và xử lý vi phạm pháp luật đối với luật sư; pháp luật về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài, tác giả gợi mở giải pháp nhằm khắc phục những bất cập kể trên, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về luật sư và phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Khép lại cuốn sách là những kiến nghị đề xuất của tác giả về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi bổ sung năm 2012).

Sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho luật sư, nhà nghiên cứu, sinh viên và bạn đọc quan tâm đến thể chế về luật sư và hành nghề luật sư.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!