An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa

 

 

 

Tác giả: TS. Trần Việt Hà

Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia sự thật

Năm xuất bản: 2020

Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 - Giá Luật Hiến pháp.

 

Trong tháp nhu cầu của Maslow, nhu cầu an toàn được xếp ngay trên nhu cầu sinh học mang tính bản năng của con người. Điều này cho thấy vấn đề an ninh luôn là mối bận tâm hàng đầu của mỗi cá nhân và xã hội. Đối với chính quyền nhà nước, đảm bảo an ninh con người là nhiệm vụ cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, ranh giới giữa các quốc gia dần được xoá nhoà thì nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn, phức tạp. Cuốn sách “An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa” của TS. Trần Việt Hà là một trong những công trình nghiên cứu toàn diện, giúp độc giả có cái nhìn tổng quan về bức tranh an ninh con người trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Mở đầu cuốn sách, tác giả khái quát những vấn đề lý luận cơ bản về an ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa, làm sáng tỏ các khái niệm trọng yếu như an ninh, con người, an ninh con người, toàn cầu hóa và những dấu hiệu đặc trưng của nó. Trước khi có toàn cầu hóa, quan niệm truyền thống về an ninh chủ yếu xoay quanh khái niệm an ninh quốc gia mà trọng tâm là an ninh chính trị và an ninh quân sự. Sang thế kỷ 20, quá trình toàn cầu hóa xuất hiện làm gia tăng những mối đe dọa mới đối với an ninh con người. Thế giới dần hình thành quan niệm mới, đó là “an ninh phi truyền thống”. Quan niệm về an ninh phi truyền thống cho rằng, an ninh quốc gia tuy vẫn quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Không chỉ các nhân tố chính trị hay quân sự mới có năng lực uy hiếp an ninh quốc gia mà các nhân tố phi chính trị và phi quân sự cũng có khả năng gây tổn hại, ảnh hưởng tới các cá nhân, cộng đồng, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Đó là những hiểm họa, rủi ro mới xuất hiện trong vài thập kỷ gần đây như: ô nhiễm môi trường, khủng hoảng tài chính, di cư bất hợp pháp, dịch bệnh, khủng bố,… Trước những thách thức mang tính xuyên biên giới, các nhà nước phải đương đầu với nhiều vấn đề an ninh đến từ bên trong lẫn bên ngoài. Nếu chỉ trông cậy vào sức mạnh của từng nhà nước đơn lẻ để giải quyết là không đủ, mà cần phải có sự hợp lực của tất cả các quốc gia.

Phần tiếp theo, tác giả phân tích bài học kinh nghiệm về an ninh con người của Canađa, Trung Quốc và tổ chức Liên minh châu Âu. Canađa với 4 mục tiêu: chống khủng bố, an ninh quốc gia, quản lý các chương trình viện trợ quốc tế và an ninh con người. Tại Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, việc đảm bảo an ninh con người là vô cùng cần thiết nhằm ổn định xã hội, chính trị. Liên minh châu Âu nhận định 5 mối đe dọa chính thức gồm: chủ nghĩa khủng bố, vấn nạn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, xung đột khu vực, các nhà nước suy yếu không làm tròn nhiệm vụ và tội phạm có tổ chức.

Phần cuối, trên cơ sở đánh giá những mối đe dọa trong và ngoài nước hiện tại, đặc biệt là những bài học rút ra từ các quốc gia lớn trên thế giới, tác giả nêu một số giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay như: nỗ lực thực hiện các mục tiêu cơ bản về an ninh con người mà Liên Hợp quốc đề ra; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả; hoàn thiện hành lang pháp lý; phát triển kinh tế bền vững; phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước; chủ động ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế,…

Với cách trình bày dễ hiểu, đi đúng trọng tâm vấn đề, chắc chắn đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách và bạn đọc quan tâm đến vấn đề an ninh con người, an ninh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa!

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!