Đạo hiếu trong Nho gia

 

Đạo hiếu trong Nho gia

 

 

Tác giả: Cao Vọng Chi

Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia

Năm xuất bản: 2014

Địa chỉ tài liệu: DSVTKM 000934-38; 

                           Phòng đọc 1 - Giá: Tôn giáo 

Người phương Đông vốn coi trọng các giá trị đạo đức truyền thống, coi các chuẩn mực đạo đức là thước đo nhân cách con người. Trong gia đình, chữ “Hiếu” đóng vai trò vô cùng quan trọng, không đơn thuần là hành vi ứng xử đạo đức của con cái đối với cha mẹ, mà suy rộng ra chữ “hiếu” còn gồm các mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình dòng tộc, là sự ghi nhận, sự tưởng nhớ của con cháu đối với ông bà tổ tiên, của thế hệ sau đối với thế hệ trước. Cuốn sách “Đạo hiếu trong Nho gia” của tác giả Cao Vọng Chi được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật dịch từ tiếng Trung Quốc sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về tư tưởng chữ “Hiếu” của Nho giáo cách đây hơn 2000 năm.

Nội dung của cuốn sách xoay quanh “Hiếu Kinh” - tác phẩm kinh điển đầu tiên nói về sự giáo dục của Nho giáo. Cuốn sách thuật lại cuộc trò chuyện giữa Khổng Tử và học trò Tăng Tử với chủ đề làm thế nào để thiết lập một xã hội tốt đẹp bằng cách sử dụng nguyên tắc của lòng hiếu thảo. 

Hệ tư tưởng đạo “Hiếu” trong Nho gia chủ yếu tập trung vào truyền thống sùng bái tổ tiên và lòng tin về con người sinh ra vốn đã mang tính thiện nhưng nếu hạt giống này không được vun xới thường xuyên thì nó sẽ bị hư hoại và có thể biến mất. Cho đến nay vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau về tác giả của “Hiếu Kinh” nhưng từ khi ra đời nó đã được đón nhận rộng rãi và góp phần giáo dục dân chúng có lối sống tốt đẹp, đoàn kết, xây dựng xã hội ổn định, tiến bộ.

Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ phải tuân thủ tam tòng tứ đức của lễ giáo. Phần cuối của cuốn sách trích lục các điều răn dành riêng cho nữ giới qua 3 bộ sách Nữ giới, Nữ Hiếu kinh và Luận ngữ để giáo huấn phụ nữ trong luân lý và đạo Hiếu của Nho gia.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!