Pháp luật hình sự Việt Nam trước thách thức an ninh phi truyền thống

 

 

 

     Tác giả: Trịnh Tiến Việt (chủ biên), Nguyễn Minh Đức,...

     Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật

     Năm xuất bản: 2019

     Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 - Giá số 16

                             Phòng mượn 2 - Giá 10.

                            

An ninh phi truyền thống đã và đang tác động đến các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0, việc tìm hiểu, nghiên cứu và giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống được đặt ra, xem xét trên nhiều phương diện như chính trị, ngoại giao, quân sự, cả về lý luận, thực tiễn và xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó có pháp luật hình sự.

Cuốn sách Pháp luật hình sự Việt Nam trước thách thức an ninh phi truyền thống” do PGS. TS. Trịnh Tiến Việt cùng nhóm tác giả biên soạn, nghiên cứu những vấn đề lý luận về an ninh phi truyền thống; thách thức, yêu cầu đặt ra đối với pháp luật hình sự; quá trình phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam nhằm ứng phó trước thánh thức an ninh phi truyền thống. Tác giả đánh giá, phân tích thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật hình sự hiện hành đối với các tội phạm phi truyền thống và đề xuất các giải pháp kiến nghị nhằm bảo đảm thực thi, hoàn thiện các quy định này.

An ninh phi truyền thống đặt ra những vấn đề mới phát sinh và không ngừng biến đổi, do đó quy định pháp luật hình sự Việt Nam cũng có một quá trình vận động, điều chỉnh để ứng phó cho phù hợp.

Giai đoạn từ 1945 – trước 1985: Bước đầu xây dựng chính sách xử lý về hình sự đối với một số tội phạm an ninh phi truyền thống. Đây chính là nền tảng, cơ sở pháp lý cho quá trình phát triển của pháp luật hình sự trước sự thay đổi của tội phạm phi truyền thống.

Giai đoạn từ 1985 - trước 1999: Bộ luật Hình sự năm 1985 đã có một hệ thống các quy định nhằm đối phó với hầu hết các mối đe doạ an ninh phi truyền thống.

Giai đoạn sau năm 1999: Các tác giả phân tích, đối chiếu, so sánh Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự hiện hành (năm 2015) để làm rõ mức độ đáp ứng trước thách thức an ninh phi truyền thống.

Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999: Đánh giá, phân tích từ các quy định của Phần chung đến các quy định của Phần các tội phạm để làm sáng tỏ sự kế thừa từ Bộ luật Hình sự năm 1985, những bước phát triển mới nhằm ứng phó với an ninh phi truyền thống của Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 1999 vẫn chưa phản ánh và đáp ứng hết các yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

Bộ luật Hình sự năm 2015: Bình luận những điểm mới so với Bộ luật Hình sự năm 1999, chỉ ra những sửa đổi quan trọng trước thách thức an ninh phi truyền thống. Nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn tồn tại một số vấn đề cần được đặt ra khi thi hành để tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới.

Từ bức tranh tổng thể đó, các tác giả đề xuất 3 nhóm giải pháp: về nhận thức; tổ chức, nhân lực, hợp tác quốc tế và các giải pháp khác. Từ đó, kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm ứng phó hiệu quả trước thác thức an ninh phi truyền thống.

Bằng phương pháp tiếp cận liên ngành, lấy khoa học luật hình sự là trọng tâm và kết hợp với khoa học an ninh, tội phạm học, các tác giả đã có sự nhận diện đầy đủ và đánh giá được những thác thức an ninh phi truyền thống đối với pháp luật hình sự ở Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!