Mỹ Lai: Việt Nam, 1986 - Nhìn lại cuộc thảm sát

 

 

 

 Tác giả: Howard Jones

Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật

Năm xuất bản: 2019

Địa chỉ tài liệu: DSVLS - Phòng đọc 1

                          - Giá Lịch sử. 

Mỹ Lai – một địa danh mỗi khi nhắc tên gợi đến nỗi đau khôn nguôi và cảm xúc mãnh liệt trong mỗi con người Việt Nam, vùng đất ghi dấu tội ác man rợ của quân đội Mỹ gây ra cho những người dân vô tội tại làng Sơn Mỹ, miền Nam Việt Nam. Sự kiện Mỹ Lai trở thành đề tài của không ít những bài báo, cuốn sách, thước phim tư liệu. Trong số đó, phải kể đến “Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát của tác giả Howard Jones, được đánh giá là một trong những cuốn sách đáng chú ý nhất trong thập niên vừa qua về chiến tranh ở Việt Nam.

Được nghiên cứu trong gần 10 năm, dựa trên hồ sơ quân sự, các cuộc phỏng vấn, những nạn nhân còn may mắn sống sót sau vụ thảm sát, cuốn sách không chỉ là một bản tường thuật chi tiết về những gì đã xảy ra ở vùng đất Mỹ Lai vào buổi sáng ngày 16 tháng 3 năm 1968 mà còn mang tới cái nhìn chân thực về sự che đậy của quân đội Mỹ, sự giả dối đầy chủ đích và phi đạo đức cũng như sự trả giá cho những tội ác kinh hoàng mà họ đã gây ra đối với hơn 500 người đã chết và đau thương cho những người còn sống.

Pinkville là tên mà Quân đội Hoa Kỳ đặt cho khu vực Mỹ Lai trong chiến dịch “tìm và diệt”. Khi phải chứng kiến cảnh đồng đội bị thương vong bởi bom mìn, lính Mỹ tức giận và tin chắc rằng người dân trong làng Mỹ Lai đã che giấu và “hợp tác” với Việt cộng để gây tử vong cho đồng đội của họ. Đó chính là câu trả lời cho câu hỏi tại sao Mỹ Lai trở thành mục tiêu tấn công của quân đội Mỹ.

Lật từng trang sách, chúng ta có cảm giác như đang xem một thước phim quay chậm với những cảnh tượng hãi hùng: lính Mỹ dồn người dân vào một con kênh để xả súng, chúng giết người già không còn sức chống cự, giết phụ nữ chân yếu tay mềm, giết những đứa trẻ đi còn chưa vững, thậm chí cả những đứa trẻ sơ sinh mới chào đời. Có thể nói, sự man rợ và tàn bạo của lính Mỹ đã vượt khỏi ranh giới về bản tính con người. Sau vụ thảm sát, lính Mỹ bỏ lại một thôn làng vang vọng tiếng khóc và tiếng gào thét, chìm trong tang tóc và thương đau, đẫm trong máu và nước mắt.

Sau gần một tuần chiến dịch Pinkville, tướng lĩnh quân đội Mỹ đã tự mãn cho rằng đó là chiến tích lẫy lừng khi tiêu diệt được nhiều Việt cộng mà không gánh thiệt hại về người ngoại trừ một người lính bị thương khi nạp đạn. Cho dù các sĩ quan Mỹ đã dùng nhiều luận điệu nhằm che đậy tội ác chiến tranh đầy ghê sợ tại Mỹ Lai, nhưng giấy không tài nào gói được lửa khi Hugh Thompson – một quân nhân từng tham gia trực tiếp vụ thảm sát, hay những nỗ lực điều tra của nhà báo Seymour Hersh đã đưa tội ác ghê rợn đó ra ánh sáng công lý. “Mỹ Lai bị xét xử” là kết quả tất yếu của “Hậu quả và sự che đậy”. Có những quân nhân như Calley đã phải chịu mức án trước Toà án, còn có không ít những tướng lĩnh, quân sĩ Mỹ đang phải giằng xé với Toà án lương tâm về tội ác họ đã gây ra cho những người Việt Nam vô tội.

Đầy tính thuyết phục, bao quát và cũng rất ám ảnh, “Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát”  xứng đáng là tác phẩm tiêu biểu về một trong những sự kiện kinh hoàng nhất của lịch sử quân đội Mỹ.

Bạn là nhà nghiên cứu lịch sử, một độc giả quan tâm đến sự kiện thảm sát Mỹ Lai tôi tin cuốn sách sẽ là lựa chọn không thể bỏ qua của bạn.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!