Vật quyền trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện đại

 

 

 

Tác giả: TS. Nguyễn Minh Oanh và tập thể tác giả

Năm xuất bản: 2018

Nhà xuất bản: Công an nhân dân

Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 – Giá Luật Dân sự (số 15).

Chế định vật quyền chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật dân sự các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 không sử dụng thuật ngữ vật quyền nhưng nội dung của chế định quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản chính là nội dung của vật quyền.

Cuốn sách “Vật quyền trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện đại” của TS. Nguyễn Minh Oanh và tập thể tác giả trình bày bản chất của vật quyền, sự vận dụng lý thuyết vật quyền trong việc xây dựng chế định quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản, các nội dung của vật quyền được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cuốn sách gồm 8 chương, chia thành 4 phần:

Phần 1. Những vấn đề lý luận cơ bản về vật quyền: khái niệm, đặc điểm, nguyên tắc chủ yếu của vật quyền, phân loại và mối liên hệ giữa các vật quyền; xác lập, thực hiện, chấm dứt vật quyền; bảo vệ vật quyền.

Phần 2. Khái quát sự phát triển của chế định vật quyền trong pháp luật dân sự Việt Nam qua các thời kỳ: phong kiến, Pháp thuộc, từ năm 1945 đến năm 1992 và từ năm 1992 đến nay.

Phần 3. Những quy định chung về vật quyền trong pháp luật dân sự Việt Nam: về khái niệm và tên gọi vật quyền; đăng ký vật quyền; nguyên tắc, nội dung, thời điểm xác lập, thực hiện, chấm dứt vật quyền; phương thức bảo vệ vật quyền.

Phần 4. Vật quyền trong pháp luật dân sự: phân tích khái niệm, đặc điểm, nội dung, căn cứ  xác lập, thực hiện và chấm dứt quyền sở hữu tài sản, quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt và vật quyền bảo đảm; bàn luận một số vấn đề về vật quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc muốn tìm hiểu về chế định vật quyền trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện đại.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!