Sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa, văn nghệ

    Tác giả: GS Hà Minh Đức

    Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự Thật

    Năm xuất bản: Hà Nội- 2022

    Địa chỉ: Phòng đọc 1- Giá Lịch sử Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ,...” Cuốn sách “Sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa, văn nghệ” của GS. Hà Minh Đức gồm 188 trang chia làm 6 phần sẽ giúp độc giả có cái nhìn toàn diện về chủ trương, đường lối, quan điểm lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn hóa, văn nghệ xuyên suốt tiến trình lịch sử cách mạng dân tộc Việt Nam.

Cuốn sách đưa ra quan điểm của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh về văn hoá, văn nghệ. Trong đó, tính Đảng là tiêu chuẩn cao nhất về thẩm mỹ và lịch sử. Văn hoá, văn nghệ phải có tính thống nhất mạnh mẽ, quyết đoán, vừa đảm bảo nguyên tắc cứng rắn lại vừa mềm dẻo. Văn hoá soi đường cho quốc dân; văn hoá, văn nghệ cũng là một mặt trận; anh, chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Sự lãnh đạo của Đảng về văn hoá, văn nghệ qua các chặng đường lịch sử cần có sự thay đổi linh hoạt, tuỳ tình hình chính trị xã hội mà hoạt động văn hoá, văn nghệ cũng tập trung thay đổi cho phù hợp. Đảng đã lãnh đạo thành công các hoạt động chính trị, xã hội và văn hoá, văn nghệ. Khi thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng chú trọng đến sự phát triển văn hoá đồng bộ và đồng hành với các lĩnh vực hoạt động khác, văn hoá văn nghệ rất phát triển, nhất là đội ngũ đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ,… “Chúng ta coi văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” (TBT. Nguyễn Phú Trọng).

Nghị quyết về “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là một nghị quyết có ý nghĩa chiến lược cho công tác văn hoá của Đảng, mở ra nhiều mối quan hệ giữa văn hoá và nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội khác. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc văn hoá, văn nghệ của các dân tộc khác, đảm bảo tính chân - thiện - mỹ theo đúng định hướng mà Đảng đã đề ra.

Văn hoá, văn nghệ thể hiện trình độ giáo dục, là kết tinh của nhiều giá trị vật chất và tinh thần trong xã hội. Mặt khác, những di sản văn hoá để lại cũng chứng minh cho sức mạnh của dân tộc và sức sống của nền văn hoá. Truyền thống văn hoá, văn nghệ Việt Nam với kho tàng truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ và nhiều tác phẩm thành văn có giá trị qua các thế kỷ, các di sản văn hoá, đình chùa, các giai điệu dân tộc đã được cả thế giới công nhận. Đổi mới hiện đại hoá gắn với sức sáng tạo và tài năng cá nhân nhưng không phải là cá biệt, không đi ra ngoài định hướng chung. Các tác phẩm văn nghệ phải đảm bảo được tính dân tộc, văn hoá văn nghệ chính là nguồn mạch góp phần bộc lộ bản sắc và tinh thần dân tộc với những sắc thái khác nhau.

Với văn phong mang đậm chất lý luận nhưng rất đỗi gần gũi, dung dị và thực tiễn, cuốn sách chính là một tài liệu tham khảo hữu ích, là nguồn tư liệu phù hợp cho các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên quan tâm về các chính sách của Đảng nói chung, và đường lối trong phát triển văn hóa – văn nghệ nói riêng.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!