Lược sử Triết học Nga

    Tác giả: TS. Mai K ĐA, TS. Dương Quốc Quân, TS. Lê Thị Tuyết

    Nhà xuất bản: NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật

    Năm xuất bản: 2021

    Địa chỉ tài liệu: Lịch sử triết học - Phòng đọc 01

Triết học Nga là một di sản giàu có với số lượng các nhà triết học, đề tài nghiên cứu và các tác phẩm triết học tầm cỡ. Từ thế kỷ XIX, Triết học Nga được hình thành và phát triển mạnh mẽ, có đóng góp vô cùng to lớn cho nền triết học của nhân loại. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nước Nga và nền triết học Nga từ quá khứ đến đương đại, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Lược sử triết học Nga” của tác giả Mai K Đa, Dương Quốc Quân và Lê Thị Tuyết.

Sách gồm năm chương, phân tích khái quát và hệ thống hoá nội dung cơ bản của tư tưởng triết học Nga qua các thời kỳ. Chương 1 “Triết học Nga từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII”, đây là giai đoạn hình thành triết học Nga cổ đại và bắt đầu có sự thay đổi do những ảnh hưởng của tư tưởng mới từ Phương Tây; trọng tâm của triết học giai đoạn này là những vấn đề xã hội, con người, lý luận và đạo đức. Chương 2 “Triết học Nga nửa đầu thế kỷ XIX”, mở ra một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn gắn liền với hai khuynh hướng phát triển: chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, đặc biệt phải kể đến hai dòng chảy tư tưởng triết học là chủ nghĩa Salvo và chủ nghĩa Phương Tây. Chương 3 “Triết học Nga từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX”, sự thất bại trong cuộc chiến tranh Krym (1953 – 1956) đã chứng minh tình trạng lạc hậu về kinh tế, chính trị so với các quốc gia khác ở phương Tây và sự bãi bỏ chế độ nô lệ phong kiến là nhu cầu cấp bách của thời đại; đặc trưng cơ bản của triết học Nga thế kỷ XX là triết học tôn giáo và sự hình thành Liên bang Xôviết với nền tảng chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Mác – Lênin. Các nhà triết học, nhà tư tưởng, các nhà văn hoá, nhà văn, nhà hoạt động xã hội đã thành lập một dòng chảy triết học mạnh mẽ, trong đó, triết học tôn giáo Nga là phát triển mạnh mẽ nhất. Chương bốn “Sự hình thành và phát triển của triết học Xôviết từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX”  tóm tắt tổng thể quá trình hình thành và phát triển của triết học Xôviết, đồng thời điểm lại các hướng nghiên cứu cơ bản, các thành tựu chủ yếu, nêu tên tuổi của một số nhà triết học Xôviết nổi bật, có ảnh hưởng sâu sắc như: V. I. Lênin, N. Berdyaev, S. Frank, I. Ilyin, G. Fedotov,… chứ không đi sâu vào nghiên cứu từng lĩnh vực hay tư tưởng triết học cụ thể. Chương cuối “Nghiên cứu triết học ở nước Nga hậu Xôviết từ cuối thế kỷ XX đến nay”, với những nghiên cứu khởi sắc của các nhà triết học Nga, cùng sự kết nối với các nhà triết học khác bên ngoài, triết học Nga dần hướng tới sự hiện đại, nắm vững những tinh hoa truyền thống dân tộc, cởi mở với những tư tưởng mới của triết học phương Đông và phương Tây. Bên cạnh đó, học thuyết Mác – Lênin vẫn “tiếp tục hướng dẫn hành động” không chỉ cho những người có vai trò kế tục sự nghiệp cách mạng vô sản như giai cấp công nhân Nga, Đảng Cộng sản Nga mà còn cho các nhà khoa học chân chính thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Chủ nghĩa Mác – Lênin và triết học Mác – Lênin là một bộ phận quan trọng cấu thành lịch sử nước Nga, đồng hành cùng nước Nga trong mỗi tiến trình phát triển. 

Cuốn tài liệu rất hữu ích, cung cấp cho độc giả và những người quan tâm đến triết học cái nhìn tổng hợp và khái quát về tiến trình phát triển của triết học Nga.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!