Xây dựng mô hình Chính phủ nhỏ, xã hội lớn - Xu hướng trên thế giới và những vấn đề đặt ra ở Việt Nam hiện nay

 

Xây dựng mô hình chính phủ nhỏ, xã hội lớn - NHÀ SÁCH SỰ THẬT

 

 

     Tác giả: Nguyễn Khánh Ly, Đoàn Văn Dũng

     Năm xuất bản: 2019

     Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật

     Vị trí tài liệu: Phòng đọc 2 – Giá số 4.

Cải cách hành chính, cải cách chính phủ hướng đến mục tiêu “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn” là xu thế chung ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để tìm hiểu về mô hình “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn” và thực trạng cải cách tổ chức, hoạt động của chính quyền trung ương và địa phương ở Việt Nam, bạn hãy tham khảo cuốn sách “Xây dựng mô hình Chính phủ nhỏ, xã hội lớn - Xu hướng trên thế giới và những vấn đề đặt ra ở Việt Nam hiện nay”.

Mở đầu cuốn sách, nhóm tác giả trình bày đặc trưng của “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn”. Chính phủ nhỏ có cơ cấu tổ chức tinh gọn, chỉ tập trung vào các công việc then chốt; hoạt động công khai, minh bạch; có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng. Xã hội lớn là thị trường (các doanh nghiệp) ngày càng mở rộng sản xuất, kinh doanh; các tổ chức xã hội góp phần với Nhà nước cung ứng dịch vụ công. Bên cạnh đó, cuốn sách còn giúp bạn đọc hiểu hơn về vai trò, mối quan hệ giữa Chính phủ, thị trường, tổ chức xã hội ở Việt Nam hiện nay; kinh nghiệm trong cải cách hành chính của một số nước trên thế giới. Ở Anh, Bắc Ailen, Mỹ, Nhật Bản, Xingapo, Chính phủ trao quyền tự quyết cho cơ quan địa phương, đồng thời tăng cường xã hội hóa, chuyển giao việc thực hiện dịch vụ công cho các đơn vị khác.

Phần tiếp theo của cuốn sách làm rõ thực trạng cải cách tổ chức, hoạt động của chính quyền trung ương và địa phương theo định hướng “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn” ở Việt Nam hiện nay. Về thành tựu: Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 có các quy định cụ thể nhằm tăng cường vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương; bộ máy tổ chức được tinh gọn thông qua việc sáp nhập một số cơ quan, giải thể các tổ chức không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và địa phương đảm bảo tính tự chủ trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Về hạn chế, bất cập: Chính phủ chưa khẳng định được vị trí trong công tác xây dựng luật; bộ máy tổ chức chưa thật sự thống nhất, trùng lắp chức năng; hệ thống pháp luật về cải cách bộ máy chính quyền địa phương chưa đồng bộ, còn chồng chéo.

Hướng tới xây dựng mô hình “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn” tại nước ta, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp. Theo đó, chúng ta cần tập trung hoàn thiện thể chế, chú trọng nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật. Cải cách tổ chức bộ máy Chính phủ theo hướng tinh gọn về số lượng nhằm khắc phục sự dư thừa biên chế, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, tổ chức, đồng thời phải nâng cao chất lượng, trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức. Một số giải pháp khác: phân quyền quản lý nhà nước giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, đổi mới phương thức điều hành của Chính phủ,…

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!