Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra

 

 

 

    Chủ biên: TS. Phan Chí Hiếu, TS. Nguyễn Văn Cương

    Năm xuất bản: 2019

    Nhà xuất bản: Tư pháp

    Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 02 – Giá 01.

Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp và hiện nay đang ở chặng đường đầu tiên bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, kết nối vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn,… Cuộc cách mạng lần này đã tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội nói chung và pháp luật nói riêng. Cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra” do TS. Phan Chí Hiếu và TS. Nguyễn Văn Cương đồng chủ biên sẽ giúp bạn đọc nhận diện rõ hơn những vấn đề pháp lý đặt ra ở Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mở đầu cuốn sách, tác giả giới thiệu tổng quan về cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền tảng là các công nghệ mới gồm: Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhận tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), điện toán đám mây (cloud computing); công nghệ in 3D; thiết bị tự lái và thế hệ mạng di động thứ 5 (5G). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư kế thừa toàn bộ thành tựu của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó nhưng có sự đột phá mạnh mẽ về công nghệ thông minh và có những tác động tích cực lẫn tiêu cực đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội và quản trị quốc gia, đặc biệt là tư duy xây dựng và thực thi pháp luật. Cách mạng công nghiệp làm phát sinh nhiều vấn đề mới, có sự pha trộn giữa khía cạnh kinh tế, công nghệ và pháp lý đã tạo ra những thách thức đối với quy trình xây dựng pháp luật. Vì vậy, việc ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng làm thay đổi sâu sắc tư duy, cách thức xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nội dung của nhiều lĩnh vực pháp luật để thích ứng với những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những thay đổi lớn trong một số lĩnh vực pháp luật của Việt Nam hiện nay như: sở hữu trí tuệ; hợp đồng điện tử; mô hình kinh tế chia sẻ; hoạt động ngân hàng; lao động, việc làm, an sinh xã hội; thuế, quản lý thuế; xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, đô thị thông minh; tội phạm mạng; chứng cứ điện tử và tố tụng toà án. Bên cạnh các thành tựu đã đạt được thì cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực, đòi hỏi người dân, doanh nghiệp và Chính phủ cần phải có những hành động thích hợp và kịp thời để có thể thích ứng với sự phát triển của công nghệ; đồng thời đặt ra những yêu cầu cấp thiết về việc sửa đổi chính sách, pháp luật nói chung và chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ nói riêng trong điều kiện mới để pháp luật trở thành công cụ hỗ trợ, thúc đẩy quá trình này. Mặc dù hệ thống pháp luật đã được xây dựng khá đồng bộ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý những vấn đề mới phát sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Pháp luật hiện nay còn thiếu cơ sở pháp lý cho các hoạt động như: vận hành mô hình kinh doanh mới; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển; bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm được hình thành có sự can dự của trí tuệ nhân tạo; ứng dụng công nghệ chuỗi khối; giải quyết công việc trên nền tảng chính phủ điện tử; đảm bảo an toàn thông tin cá nhân; phát hiện, xử lý tội phạm công nghệ cao;…

Qua việc phân tích những hạn chế trên, tác giả đưa ra định hướng hoàn thiện một số lĩnh vực pháp luật đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gồm: pháp luật dân sự, kinh tế; pháp luật về chính phủ điện tử, xây dựng thành phố thông minh; phòng chống tội phạm mạng và thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động tư pháp.

Sách là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học và những ai quan tâm đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!