Đạo trị nước trong tư tưởng Khổng - Mạnh

 

 

 

Tác giả: Cao Xuân Long, Đinh Thị Kim Lan

Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh

Năm xuất bản: 2019

Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 01 - Giá Tôn giáo.

Khổng Tử, Mạnh Tử là những nhà tư tưởng, nhà giáo dục, nhà chính trị lớn tiêu biểu của Trung Quốc. Hai ông đã để lại cho nhân loại nhiều tư tưởng có giá trị, một trong những tư tưởng ấy chính là đạo trị nước. Cuốn sách “Đạo trị nước trong tư tưởng Khổng - Mạnh” của tác giả Cao Xuân Long, Đinh Thị Kim Lan trình bày, phân tích sự hình thành và những nội dung cơ bản của đạo trị nước trong tư tưởng của Khổng - Mạnh. Từ đó rút ra những đặc điểm, giá trị, hạn chế và nêu ý nghĩa của tư tưởng đó với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Mở đầu cuốn sách, các tác giả khẳng định đạo trị nước trong tư tưởng của Khổng - Mạnh xuất phát từ điều kiện khách quan của kinh tế, chính trị - xã hội, văn hoá, tư tưởng của xã hội Trung Quốc. Trong giai đoạn lịch sử khi trật tự xã hội bị đảo lộn, các chuẩn mực đạo đức cũ đã suy tàn, xã hội loạn lạc. Thực tiễn xã hội nảy sinh yêu cầu cấp thiết phải có một học thuyết để lý giải định hướng cách giải quyết cho vấn đề này. Bên cạnh đó, Thuyết Tiên Nghiệm luận cũng là tiền đề quan trọng cho sự hình thành đạo trị nước trong tư tưởng Khổng Mạnh. Điều kiện của bản thân, gia đình, quê hương cùng nhân cách đạo đức cao đẹp là những yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến sự hình thành đạo trị nước của hai ông.

Chương tiếp theo, tác giả trình bày những nội dung cơ bản của đạo trị nước trong tư tưởng của Khổng- Mạnh. Khổng Tử và Mạnh Tử có chung quan điểm kết hợp đạo đức và chính trị trong việc trị nước, lấy đó làm cơ sở ổn định chính trị, xã hội, dùng đạo đức để cảm hoá con người, để trị nước. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử xã hội và lập trường quan điểm khác nhau nên tư tưởng của hai ông về vấn đề này cũng có những điểm khác biệt. Khổng Tử đề cao nhân nghĩa chính danh, xem đây là điều quan trọng và cần thiết nhất trong đạo đức con người. Ông đưa “nhân”, “lễ” đi cùng nhau để ổn định trật tự xã hội. Khổng Tử đã xây dựng học thuyết chính danh với những chuẩn đạo đức cần thiết của con người như: nhân nghĩa, lễ, chí, dũng, trung, hiếu. Với ông đó là công cụ để mỗi người thực hiện tốt vai trò xây dựng con người, xây dựng xã hội. Mạnh Tử vẫn đề cao đức nhân nhưng ông đưa “nhân” đi cùng “nghĩa”. Từ đó, Mạnh Tử xây dựng nên học thuyết nhân chính - dùng nhân nghĩa trong chính trị. Cả hai ông luôn chú trọng đến vấn đền người cầm quyền trong xã hội và đưa ra những chính sách đúng đắn để xây dựng mẫu người cầm quyền như mong muốn.

Chương cuối của cuốn sách là những đánh giá của tác giả về ý nghĩa lịch sử, giá trị và hạn chế về đạo trị nước trong tư tưởng Khổng - Mạnh. Đạo trị nước của hai ông luôn mang trong mình ý nghĩa to lớn: dựa trên những chuẩn mực đạo đức, hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc góp phần ổn định chính trị xã hội, giáo dục nâng cao trách nhiệm của mỗi người trong các quan hệ xã hội đối với việc xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, đạo trị nước trong tư tưởng Khổng - Mạnh cũng không tránh khỏi những hạn chế khi sử dụng thế giới quan duy tâm trong việc lý giải nguồn gốc các vấn đề về con đường chính trị hay thể hiện tính chất bảo thủ, hoài cổ tiếc nuối về xã hội lý tưởng đã qua. Trong công cuộc xây dựng Nhà nước ở Việt Nam, Hồ Chí Minh là người luôn chắt lọc tiếp thu kế thừa những giá trị đạo đức trong tư tưởng đạo trị nước của Khổng - Mạnh. Tiếp thu tư tưởng của Người, Đảng ta đã kế thừa, vận dụng những tinh hoa đạo đức trong tư tưởng Khổng - Mạnh vào xây dựng đất nước, đồng thời rút ra bài học bổ ích có ý nghĩa trong giáo dục đạo đức con người Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!