Pháp luật về quan hệ tài sản giữa vợ chồng

 

 

 

   Tác giả: Nguyễn Ngọc Điện, Đoàn Thị Phương Diệp

   Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

   Năm xuất bản: 2018

   Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 - Giá 04; Phòng mượn 2 - Giá 08.

Quan hệ tài sản giữa vợ chồng là một loại quan hệ tương đối phức tạp vì nó là sự đan xen bởi nhiều yếu tố như tài sản, nhân thân và liên quan đến nhiều chủ thể.

Nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực này, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Điện và TS. Đoàn Thị Phương Diệp biên soạn cuốn sách Pháp luật về quan hệ tài sản giữa vợ chồng. Cuốn sách nghiên cứu những vấn đề lý luận chung, sự hình thành và phát triển của pháp luật Việt Nam về quan hệ tài sản giữa vợ chồng qua các thời kỳ; giới thiệu các hệ thống pháp lý và mô hình đáng chú ý của một số nước trên thế giới; đặc biệt tác giả tập trung phân tích quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về quan hệ tài sản giữa vợ và chồng.

Pháp luật Việt Nam hiện hành về quan hệ tài sản giữa vợ chồng được chia thành 2 chế độ: chế độ tài sản luật định và chế độ tài sản thỏa thuận.

Chế độ tài sản luật định: Bao gồm 2 nhóm: Nhóm thứ nhất là chế độ tài sản sơ cấp, tập hợp những quy tắc mang tính mệnh lệnh, bắt buộc áp dụng trong mọi trường hợp; nhóm thứ hai là chế độ luật định, tập hợp các tùy nghi, chỉ được áp dụng trong trường hợp vợ, chồng không có thỏa thuận. Chế độ tài sản áp dụng trong trường hợp không có thỏa thuận gồm 3 khối tài sản: khối tài sản chung của vợ và chồng và hai khối tài sản riêng thuộc về từng người, mỗi khối tài sản gồm 2 thành phần tài sản có và tài sản nợ. Các tác giả làm rõ quy định của pháp luật trong việc quản lý các khối tài sản và thanh toán quan hệ tài sản giữa vợ chồng. Theo đó, quan hệ tài sản giữa vợ và chồng được thanh toán theo nguyên tắc áp dụng lý thuyết công sức đóng góp, khối tài sản được phân chia gồm tài sản có và tài sản nợ.

Phân tích các quy định của chế độ luật định, các tác giả nêu một số điểm mới cũng như hạn chế của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như: Khối tài sản có chung của vợ chồng bao gồm cả hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng, điểm này trong Luật Hôn nhân và gia đình 2000 quy định không rõ gây nhiều tranh cãi trong giới thực hành luật; lý thuyết về công sức đóng góp chỉ mới dừng lại ở các quy tắc mang tính nguyên tắc, còn nhiều chi tiết chưa được đề cập, quan tâm.

Chế độ tài sản thỏa thuận: Quy định mới về chế độ tài sản của vợ chồng được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014, với chế định này sẽ giúp các cặp vợ chồng có thêm sự lựa chọn trong quan hệ về tài sản. Các tác giả phân tích bảy nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng chế độ tài sản thỏa thuận và quy định của pháp luật trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Nghị định 126/2014/NĐ-CP gồm những vấn đề cơ bản: Xác lập chế độ tài sản thỏa thuận; sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản giữa vợ chồng; nội dung của chế độ tài sản thỏa thuận theo quy định hiện hành; tuyên bố vô hiệu chế độ tài sản thỏa thuận; chấm dứt chế độ tài sản thỏa thuận.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm pháp luật của các nước phát triển như Bỉ, Pháp,… và phân tích, đánh giá dữ kiện pháp lý thực tại ở nước ta, nhóm tác giả đưa ra một số kiến giải và đề xuất nhằm góp phần giải thích các quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác áp dụng pháp luật cũng như dự báo cho những hướng dẫn áp dụng luật sẽ có trong tương lai.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!