100 điều nên biết về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam

 

 

 

Tác giả: Hà Nguyễn

Nhà xuất bản: Thông tin và Truyền thông

Năm xuất bản: 2022

Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 1 – Giá: Chính trị.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một cuộc vận động chính trị vô cùng to lớn đã được tổ chức trên toàn quốc, đó là cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Cuộc Tổng tuyển cử không chỉ tạo dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mà còn biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đập tan âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động và tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Cuốn sách 100 điều nên biết về Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nằm trong bộ sách 100 điều nên biết về lịch sử Việt Nam, được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành nhân dịp kỷ niệm 75 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (1946 – 2021). Toàn bộ những vấn đề mấu chốt liên quan đến cuộc Tổng tuyển cử đã được tổng hợp và cập nhật qua 100 câu hỏi và trả lời đã tái hiện phần nào bức tranh toàn cảnh sinh động về sự kiện trọng đại này. Lật giở từng trang sách, độc giả sẽ nắm được những kiến thức tổng hợp, bao quát nhưng lại cụ thể, chi tiết, cơ bản và cập nhật về các vấn đề mấu chốt liên quan đến cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Thông qua 100 câu hỏi – đáp ngắn gọn, cuốn sách giới thiệu về quá trình ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Chính phủ lâm thời; về các nội dung, văn bản liên quan đến tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và ra mắt 15 thành viên của Chính phủ lâm thời. Thời điểm đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền cách mạng là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng nhân dân, xúc tiến nhanh việc bầu Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức. Vì vậy, ngày 8/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ký ban hành văn bản pháp quy đầu tiên về cuộc Tổng tuyển cử - Sắc lệnh số 14/SL về việc triệu tập Quốc dân đại hội. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký một loạt các sắc lệnh về việc thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp, Uỷ ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử và quy định về các vấn đề liên quan đến bầu cử như thể lệ bầu cử, thời gian mở cuộc Tổng tuyển cử, quyền bầu cử và ứng cử, vận động bầu cử,… Trong điều kiện thù trong giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội hết sức khó khăn nhưng với sự cố gắng của Chính phủ lâm thời và sự ủng hộ của quốc dân đồng bào, ngày 23/12/1945 và ngày 6/1/1946, cuộc Tổng Tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự như ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và hầu hết các tỉnh đều có tỉ lệ tham gia bỏ phiếu rất cao. Cuộc Tổng tuyển cử đã đạt thành công vang dội, tạo dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta vì đã thành lập một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là: “... kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!