Thực hiện chức năng giám sát quyền lực nhà nước của Quốc hội Việt Nam hiện nay

 

 

 

    Tác giả: TS. Vũ Thị Mỹ Hằng

    Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật

    Năm xuất bản: 2020

    Vị trí tài liệu: Phòng đọc 2 – Giá 02

                            Phòng mượn 2 – Giá 02.

Giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước là một trong các chức năng cơ bản và quan trọng của Quốc hội Việt Nam. Với mong muốn giúp bạn đọc hiểu một cách toàn diện về lý luận, thực trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, TS. Vũ Thị Mỹ Hằng – giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia đã chắp bút cho cuốn sách “Thực hiện chức năng giám sát quyền lực nhà nước của Quốc hội Việt Nam hiện nay”.

Để làm rõ chức năng giám sát của Quốc hội, tác giả nêu quan điểm của các nhà tư tưởng cận đại, Mác – Lênin, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về kiểm soát quyền lực nhà nước, vị trí, vai trò của Nhà nước, Quốc hội Việt Nam. Tiếp đến, cuốn sách trình bày cơ sở chính trị, pháp lý của việc thực hiện chức năng giám sát và các hình thức giám sát của Quốc hội Việt Nam hiện nay.

Trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng đổi mới hoạt động giám sát và đạt được những thành tựu to lớn. Việc xem xét báo cáo, thẩm tra dự án, đề án, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật giúp Quốc hội nắm bắt được tình hình hoạt động của Chính phủ, công tác triển khai Hiến pháp và pháp luật trong thực tiễn. Từ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá IX, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được đổi mới theo hướng truyền hình trực tiếp đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Chất lượng của các phiên chất vấn ngày càng được cải thiện. Đối với việc giám sát hệ thống tư pháp, Quốc hội tăng cường xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, thi hành án,…  

Bên cạnh kết quả đạt được, nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác giám sát của Quốc hội được chỉ ra: báo cáo chung của Chính phủ chưa được thẩm tra, báo cáo khác gửi đến Quốc hội muộn gây khó khăn cho việc chuẩn bị thẩm tra; nhiều đại biểu không sử dụng quyền chất vấn trong cả nhiệm kỳ, người trả lời chất vấn chưa đi thẳng vào vấn đề cần giải trình; pháp luật điều chỉnh hoạt động giám sát đối với ngành tư pháp còn thiếu, chưa cụ thể,… Nguyên nhân của tồn tại trên là do: vị trí, vai trò giám sát của Quốc hội chưa được nhận thức đúng đắn, thống nhất; quy định pháp luật về giám sát phức tạp, chồng chéo, mâu thuẫn; chưa phân biệt rõ ràng hoạt động giám sát của Quốc hội với các cơ quan chức năng khác; nguyên tắc tổ chức các cơ quan của Quốc hội chưa hợp lý.

Nhằm góp phần cải thiện chức năng giám sát của Quốc hội Việt Nam, tác giả đưa ra một số khuyến nghị: tăng cường hoạt động giám sát với Chính phủ, hệ thống tư pháp, đặc biệt nâng cao năng lực giám sát của các cơ quan Quốc hội, đại biểu quốc hội, cơ quan tham mưu, tư vấn; tinh giản bộ máy Văn phòng Quốc hội đồng thời phát triển đội ngũ giúp việc giỏi chuyên môn, nghiệp vụ; kiện toàn mối quan hệ phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ giúp các cơ quan Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Năng lực giám sát của đại biểu có ảnh hưởng lớn đến chất lượng giám sát của Quốc hội. Bởi vậy, theo tác giả, Việt Nam cần cải cách hệ thống bầu cử, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, giảm tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm. Việc mở rộng đối tượng đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, đại diện tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín cùng chính sách đào tạo, bồi dưỡng tốt sẽ tạo ra đội ngũ đại biểu chuyên nghiệp, tận tâm, giỏi chuyên môn. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đề cập đến việc tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia vào hoạt động của Quốc hội, đảm bảo các nguồn lực vật chất cần thiết cho hoạt động giám sát.

“Thực hiện chức năng giám sát quyền lực nhà nước của Quốc hội Việt Nam hiện nay” là công trình nghiên cứu công phu, toàn diện, có hệ thống. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho độc giả quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu về hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!