Hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính ở Việt Nam

 

 

 

    Chủ biên: Nguyễn Văn Hợi

    Năm xb: 2020

    Nhà xb: Công an nhân dân

    Địa chỉ: Phòng Mượn, Phòng Đọc 2 – Giá Luật Dân sự.

Hợp pháp hoá chuyển đổi giới tính đang là xu hướng của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là quốc gia thứ 62 trên thế giới ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính. Một trong những thay đổi mang tính đột phá khi Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015 đó là đã hợp pháp hoá vấn đề chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, đây là quy định mới và còn tồn tại nhiều vấn đề vướng mắc cần giải quyết để có thể áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Cuốn sách “Hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính ở Việt Nam” do tác giả Nguyễn Văn Hợi chủ biên sẽ góp phần làm rõ những nội dung liên quan đến vấn đề chuyển đổi giới tính ở Việt Nam hiện nay.

Mở đầu cuốn sách, nhóm tác giả trình bày một số vấn đề lý luận về chuyển đổi giới tính, trong đó làm rõ khái niệm, đặc điểm của chuyển đổi giới tính. Về bản chất, chuyển đổi giới tính là một nhu cầu khách quan, là mong muốn bên trong của những người chuyển giới. Chính từ nhu cầu này đã hình thành nên quyền con người cơ bản của nhóm người chuyển giới trong xã hội. Xét dưới góc độ pháp lý, chuyển đổi giới tính chính là một trong các quyền nhân thân của cá nhân. Về mặt lý luận, việc công nhận quyền chuyển đổi giới tính trên thực tế xuất phát từ bản chất của người chuyển giới, từ yêu cầu về bảo vệ quyền con người và vấn đề hợp pháp hoá chuyển đổi giới tính trong pháp luật quốc tế cũng như xu hướng pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Về mặt thực tiễn, quyền chuyển đổi giới tính xuất phát từ thực trạng và nhu cầu của người chuyển giới, từ yêu cầu ngăn chặn các rủi ro và thách thức đối với người chuyển giới.

Hiện nay, việc thực hiện pháp luật về chuyển đổi giới tính trong thực tiễn cũng còn một số bất cập và chịu ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực bởi một số yếu tố như: việc nhìn nhận về vấn đề chuyển đổi giới tính trên thế giới cũng như Việt Nam; nhận thức tự thân của cá nhân người chuyển đổi giới tính; sự ủng hộ của gia đình; sự phát triển của y học; sự phát triển kinh tế - xã hội; sự hoạt động tích cực của các tổ chức, cộng đồng và diễn đàn dành cho người chuyển đổi giới tính; vấn đề truyền thông; rào cản từ các quan niệm truyền thống; tôn giáo, tín ngưỡng và quan niệm về giới; chủ nghĩa độc tôn dị tính và sự thiếu vắng về giáo dục giới tính trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Ở Việt Nam, vấn đề chuyển đổi giới tính được đề cập đến trong một số văn bản quy phạm pháp luật như Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Hộ tịch năm 2014, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Tuy nhiên, văn bản đầu tiên và duy nhất trực tiếp ghi nhận về vấn đề này là Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, Điều 37 quy định về “Chuyển đổi giới tính” đã thừa nhận việc chuyển đổi giới tính của cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm đạt được thì quy định này còn một số hạn chế như: chuyển đổi giới tính không được ghi nhận là “quyền chuyển đổi giới tính” mà chỉ được ghi nhận là “việc chuyển đổi giới tính”, chưa đi vào cụ thể những vấn đề pháp lý có liên quan; việc quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính là chưa phù hợp và đầy đủ;… Qua việc làm rõ các quy định pháp luật về chuyển đổi giới tính, nhóm tác giả đã đánh giá, so sánh thực tiễn hoạt động chuyển đổi giới tính trước và sau khi Bộ luật Dân sự 2015 được thông qua; đồng thời, phân tích những hệ quả pháp lý của việc chuyển đổi giới tính, như: tác động tới việc ghi nhận và bảo vệ quyền nhân thân khác của cá nhân, đến quan hệ tài sản (quan hệ hợp đồng, quan hệ sở hữu, quan hệ thừa kế), quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ lao động và một số hệ quả khác.

Thông qua việc nghiên cứu các vấn đề lý luận, thực trạng pháp luật và thực tiễn hoạt động chuyển đổi giới tính, nhóm tác giả đưa ra một số định hướng và kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính ở Việt Nam, trong đó có đề xuất hoàn thiện Điều 37, Bộ luật Dân sự 2015 cũng như góp ý cho Dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về chuyển đổi giới tính gồm: đảm bảo các điều kiện về đội ngũ cán bộ thi hành pháp luật, cơ sở khám chữa bệnh, nâng cao nhận thức của người có mong muốn chuyển đổi giới tính và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chuyển đổi giới tính.

Sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm đến vấn đề chuyển đổi giới tính tại Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!