Lễ

      Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Trong học thuyết của Khổng Tử, Lễ đóng vai trò tư tưởng cốt lõi, là quy phạm đạo đức và hành vi được chế định cho con người, từ đó biết việc nào nên làm, việc nào không . Lễ trở thành tiêu chí quan trọng khi đánh giá phẩm hạnh một cá nhân, tác động đến đạo đức xã hội.

      Lễ trong Nho gia bao gồm: Lễ pháp, Lễ nghĩa, Lễ nghi. Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ về Lễ, PGS. TS. Phạm Ngọc Hàm đã dịch từ nguyên bản tiếng Hán cuốn sách “Lễ” của tác giả Hạng Cửu Vũ, Chiêm Dật Thiên.

      Nội dung cuốn sách trình bày quan điểm của Khổng Tử và các học trò của ông về Lễ. Nho giáo đặc biệt chú trọng việc “tu thân”. Theo đó con người phải học, hiểu, rèn giũa lễ nhạc mới có thể hoàn thiện bản thân; Lễ quyết định cách thức bạn giải quyết công việc, kết giao bạn hữu, đối nhân xử thế. Lễ tiết bắt nguồn từ đạo hiếu trong gia đình và hiếu đứng vị trí hàng đầu trong những điều tốt đẹp. Người bề trên nên dùng đạo đức, chế lễ để cảm hóa, dẫn dắt người bề dưới. Chốn quan trường, người hiểu Lễ ắt có được thành công...

      Bên cạnh những giá trị tích cực, một số quan điểm Lễ giáo trở thành sợi dây ràng buộc, làm cho suy nghĩ và hành động của con người trở nên cứng nhắc theo một khuôn phép, kìm hãm sự phát triển của cá nhân và xã hội. Đây chính là điểm hạn chế của chữ Lễ trong Nho giáo.

      Mỗi quan điểm của Lễ đi kèm lời dạy của bậc tiền nhân, bình luận của tác giả, các điển tích đặc sắc để người đọc nghiền ngẫm và rút ra bài học cho riêng mình.

      Sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2016, hiện có tại Trung tâm Thông tin Thư viện: Phòng đọc 01 → Giá Tôn giáo; Phòng mượn 2→ Giá Tôn giáo

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc !