Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo CISG – Quy định và án lệ

 

Description: hợp đồng Archives - Văn phòng Pháp lý ICR

   

 

  Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Bá Bình (chủ biên)

  Nhà xuất bản: Tư pháp

  Năm xuất bản: 2021

  Địa chỉ tài liệu: Phòng Đọc 2 - Giá 24;

                             Phòng Mượn: Giá 13.

Ngày 1/1/2017, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động mua bán, giao thương hàng hóa diễn ra ngày càng sâu và rộng. Vì thế, tìm hiểu, nghiên cứu các quy định và án lệ của CISG đang trở nên bức thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp để áp dụng một cách thống nhất, đồng bộ. Cuốn sáchHợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo CISG – Quy định và án lệ” do PGS. TS. Nguyễn Bá Bình cùng đồng nghiệp biên soạn, phân tích đầy đủ, dễ hiểu các điều khoản Công ước của Liên hợp quốc về mua bán hàng hóa quốc tế cùng với 200 án lệ làm dẫn chứng nhằm cung cấp góc nhìn trực quan, dễ tiếp cận đối với độc giả. Cuốn sách gồm 14 chương, nghiên cứu vấn đề sau:

Giới thiệu chung về CISG. Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) được thông qua tại Vienna (Áo) ngày 11/4/1980 nhằm thiết lập các quy định thống nhất điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, thu hẹp rào cản pháp lý để thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển. CISG là một điều ước quốc tế khá linh hoạt bởi nó được xây dựng với sự dung hòa và tương quan với các nguồn luật khác.

Phạm vi áp dụng và các nguyên tắc chung. Tác giả phân tích các trường hợp áp dụng và không áp dụng CISG, những nội dung liên quan tới hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nhưng CISG không điều chỉnh.

Giao kết hợp đồng. Nghiên cứu các quy định của CISG về chào hàng, chấp nhận chào hàng và hoàn giá chào. Bên chào hàng thông qua đề nghị giao kết hợp đồng sẽ thể hiện ý định giao kết và đưa ra các điều kiện của giao dịch cho bên được chào hàng. Dựa trên các điều kiện này, bằng quyết định chấp nhận chào hàng, bên được chào hàng và bên chào hàng xác lập hợp đồng với các điều khoản đưa ra trong chào hàng.

Mua bán hàng hóa. Các tác giả đã dành 9 chương để phân tích các điều khoản của CISG và thực tiễn áp dụng về nghĩa vụ của bên bán – bên mua; các biện pháp được áp dụng khi bên bán – bên mua vi phạm hợp đồng; trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý; hủy hợp đồng; bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; vi phạm trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ, hợp đồng giao hàng từng phần, tiền lãi và bảo quản hàng hóa.

Điểm nổi bật của cuốn sách là ngoài việc phân tích, giải thích các điều khoản, chọn lọc, viện dẫn và bình luận các án lệ trong việc áp dụng CISG, các tác giả còn đưa ra đánh giá, so sánh, đối chiếu giữa CISG với pháp luật Việt Nam để bạn đọc thấy điểm tương đồng và khác biệt đối với nguồn luật quốc tế này. Sách là nguồn thông tin hữu ích đối với giảng viên, sinh viên, nhà nghiên cứu, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận cơ sở pháp lý mang tính quốc tế, từ đó nâng cao hiệu quả trong hoạt động thương mại quốc tế.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!