Đạo Phật đi vào cuộc đời

 

 

 

Tác giả: Thích Nhất Hạnh

Năm xuất bản: 2021

Nhà xuất bản: Văn hóa dân tộc

Vị trí tài liệu: Giá Tôn giáo.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Đừng biến đạo Phật thành một tổ chức có uy quyền thế lực, có giáo đường vàng son. Đừng biến Tăng Ni thành những con người sống vô tư trong sự ưu đãi của một chế độ cúng dường thiếu ý thức, quên lãng nhiệm vụ tự thực hiện giải thoát và phụng sự con người. Đừng để người Phật tử hiểu rằng Phật Pháp Tăng là những bảo vật xa vời không hiện hữu giữa cuộc đời đau khổ. Phải thực hiện tất cả những hình thức sinh hoạt nào có thể chứng minh rằng đạo Phật hiện hữu trong cuộc đời để giải phóng cho con người”. Ông ghi dấu ấn với độc giả qua hơn 100 đầu sách về nhiều lĩnh vực: tôn giáo, tu học, thiền, nghệ thuật sống, quản trị,... Mỗi cuốn sách của ông đều chứa đựng những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống, những chân lý và bài học từ Đức Phật có thể dễ dàng áp dụng và thực hành hàng ngày; hướng người đọc đến những suy nghĩ tích cực, thân tâm an lạc.

Cuốn sách “Đạo Phật đi vào cuộc đời” được viết và xuất bản ở miền Nam năm 1965, tái bản năm 2021 gồm 8 chương. Trong đó, thiền sư Thích Nhất Hạnh luận bàn về ý nghĩa của đạo Phật trong cuộc đời. Dưới ánh sáng soi rọi của Đức Phật, những con người giác ngộ đi vào cuộc đời mang theo tâm niệm giải thoát, không cố chấp, không sân si. Có như thế ta mới thấy được tính chất của sự vượt lên trong thái độ dấn thân vào cuộc đời của những con người giác ngộ. Tính chất vô trước của hành động là một bằng chứng cụ thể chứng minh cho sự hiện hữu của giác ngộ. Vô trước có nghĩa là không bị dính vào. Cố nhiên con người giác ngộ sẽ không những không bị dính vào tham vọng, quyền hành và lợi danh mà còn không bị dính vào những cố chấp có tính cách tri thức như quan điểm và sự phân biệt nhân ngã. Đó là thái độ tự do, vô tâm, vô trú của các bậc Bồ tát mà kinh Kim Cương Bát Nhã đã diễn tả trong rất nhiều đoạn. Bàn luận đến đề tài đem đạo Phật đi vào cuộc đời, mỗi chúng ta cần phải hiểu và ý thức được những điều giáo lý, đó là các nguyên lý vượt lên, dấn thân và vô trước, thì mới có thể tránh khỏi được những sai lạc căn bản.

Trong chương cuối sách “Người tri thức và đạo Phật”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhấn mạnh: “Muốn đạo Phật được hiển lộ với hết sắc thái cao đẹp của nó, ta phải tìm cách áp dụng cho được đạo Phật một cách sung mãn trong sự sống, và như thế tức là phải làm sao cho quần chúng biết tìm ở đạo Phật sự thỏa mãn những nhu cầu sinh hoạt trí tuệ và tâm linh cần cho sự phát triển toàn vẹn con người của họ chứ không phải chỉ biết tìm ở đạo Phật những an ủi và che chở có tính cách thần bí mà thôi”.

Đạo Phật đã được phát sinh từ trong lòng của cuộc đời, được nuôi dưỡng bởi cuộc đời và đang tồn tại vì cuộc đời. Đạo phật đi vào cuộc đời mang đến cuộc đời tự do, an lạc và hạnh phúc của con người trên thế gian. Đem đạo Phật đi vào cuộc đời có nghĩa là thể hiện những nguyên lý đạo Phật trong sự sống. Đạo Phật không chỉ là tôn giáo, đạo phật cũng là cuộc sống, đưa con người đến với sự hiểu biết sâu sắc, tự bản thân có thể đạt sự thông tuệ để biến cải cuộc đời mỗi người theo chiều hướng thiện mỹ.

Với văn phong giản dị, gần gũi, dễ hiểu,“Đạo Phật đi vào cuộc đời” góp phần đưa nhận thức và hành động của đạo Phật dần đi vào cuộc đời của mọi người, nhất là đối với những tín đồ của Phật giáo.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!