Hương ước, lệ làng – Quá khứ, hiện tại, tương lai

 

   

 

Tác giả: Lê Đức Tiết

Nhà xuất bản: Tư pháp

Năm xuất bản: 2020

Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2, Giá số 2.

Hương ước, lệ làng là một trong những di sản văn hóa pháp lý đặc sắc của nhân dân ta. Ngày nay, bên cạnh sự tồn tại của những hương ước, luật tục truyền thống là sự ra đời của những quy ước văn hóa mới. Vấn đề đặt ra là việc xây dựng quy chuẩn cho hương ước mới phải đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng địa phương. Với mục đích góp phần làm sáng tỏ những giá trị đích thực của hương ước, lệ làng, giúp bạn đọc, các nhà quản lý có thêm nguồn tư liệu nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề này, luật sư Lê Đức Tiết đã biên soạn cuốn sách “Hương ước, lệ làng – Quá khứ, hiện tại, tương lai”.

Mở đầu cuốn sách, tác giả khẳng định hương ước, lệ làng là Bộ Tổng luật của cộng đồng làng xã Việt Nam, có quá trình hình thành, tồn tại và phát triển lâu đời, mang đậm dấu ấn đấu tranh xã hội, đấu tranh chống giặc ngoại xâm và ứng phó với thiên nhiên của các dân tộc Việt Nam. Hương ước, lệ làng có những bước thăng trầm cùng với lịch sử đất nước, góp phần giúp con người Việt Nam vượt qua được nhiều thử thách để giành thắng lợi cuối cùng. Từ nhiều thế kỷ qua, hương ước, lệ làng Việt Nam song song tồn tại cùng với pháp luật của Nhà nước, có sự tác động hỗ trợ qua lại lẫn nhau. Tuy nhiên, hiện tượng “phép vua thua lệ làng” vẫn tồn tại trong đời sống xã hội qua nhiều thế hệ. Theo các sử liệu nghiên cứu, tình trạng này xảy ra trong quá trình thi hành hương ước, lệ làng của những người thừa hành công vụ lạm dụng quyền lực, nó là một tệ nạn phổ biến và là mối nguy thực sự cho sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay.

Phần tiếp theo, tác giả làm rõ vai trò của hương ước, lệ làng đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong quá khứ, như: khơi dậy tinh thần tự quản của cộng đồng cư dân nông thôn, nuôi dưỡng phát triển thuần phong, mỹ tục, nâng cao dân trí, bảo vệ cân bằng sinh thái và môi trường, quản lý đất đai, giữ gìn trật tự, an ninh thôn xóm, phòng chống trộm cướp, giặc ngoại xâm, thiên tai,… Qua đánh giá những tác động tích cực và tiêu cực của các hương ước cổ, tác giả rút ra một số bài học có thể ứng dụng rộng rãi vào xã hội Việt Nam ngày nay, đặc biệt chú trọng nguyên tắc sống và làm việc theo pháp luật, khắc phục bệnh duy ý chí trong lập pháp, lập quy.

Bước vào thiên niên kỷ mới, với sự phát triển và thay đổi như vũ bão trên tất cả các lĩnh vực, chúng ta cần có biện pháp kế thừa và phát huy những mặt tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực của hương ước cổ. Trước hết, việc biên soạn, ban hành và áp dụng hương ước mới cần phải tuân theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời thực hiện cơ chế làm chủ trực tiếp bằng các hình thức nhân dân tự quản, phù hợp với luật pháp quốc gia; khuyến khích, cổ vũ, động viên nhân dân xây dựng và phát triển quê hương, thực hiện khẩu hiệu “hướng về cơ sở”. Sự tham gia của nhân dân, cán bộ cấp cơ sở trong việc xây dựng quy ước là hướng đi mang tính tổng hợp và thực thi cao. Bên cạnh đó, chúng ta cần thống nhất tên gọi của hương ước, quy ước, tên gọi của các đơn vị cơ sở như làng, khu phố, khối phố, gia đình văn hóa,.. Trong phần cuối cuốn sách, tác giả đề xuất một số yêu cầu về mặt kỹ thuật lập pháp đối với hương ước, quy ước như: nội dung, văn phong, trình tự soạn thảo, ban hành áp dụng, sửa đổi, bổ sung và đôi nét về quy ước của cộng đồng người Việt định cư ở nước ngoài.

Với những nỗ lực từ chính quyền và nhân dân, trong tương lai, hương ước, quy ước mới được xây dựng sẽ góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, giúp Việt Nam đạt được những đỉnh cao mới, đặc biệt là sự phát triển của lĩnh vực khoa học pháp lý.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!