Bảo đảm quyền của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

 

 

 

Tác giả: Trần Thị Thu Hiền

Năm xuất bản: 2021

Nhà xuất bản: Tư pháp

Địa chỉ tài liệu: Phòng Đọc 02 – Giá Tố tụng hình sự

Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn rất quan trọng của tố tụng hình sự, có tác động trực tiếp đến quyền của bị can. Do đó, bảo đảm quyền của bị can trong giai đoạn điều tra là vấn đề thiết yếu, góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền con người, bảo đảm quy trình tố tụng khách quan, minh bạch, dân chủ, công bằng. Cuốn sách “Bảo đảm quyền của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự” của tác giả Trần Thị Thu Hiền sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung này.

Trước hết, cuốn sách làm rõ một số vấn đề lí luận về giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Chủ thể của giai đoạn này là cơ quan có thẩm quyền tiến hành hoạt động điều tra, với nhiệm vụ thu thập đầy đủ chứng cứ để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, xác định chính xác tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội. Với một số đặc điểm như: khả năng áp dụng các biện pháp cưỡng chế cao, tính công khai thấp, áp lực của cơ quan điều tra lớn,… nên giai đoạn này tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm đến quyền của người tham gia tố tụng, trong đó có bị can. Vì vậy, bảo đảm quyền của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là nội dung quan trọng để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của cá nhân.

Bảo đảm quyền của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự mang những đặc trưng về chủ thể, đối tượng và nội dung bảo đảm. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan lập pháp, cơ quan có thẩm quyền điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân. Nội dung bảo đảm gồm: xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi quy định pháp luật. Đối tượng của bảo đảm là các quyền của bị can, như: quyền được tiếp cận thông tin; nhóm quyền bào chữa, quyền suy đoán vô tội, quyền của người tham gia tố tụng và quyền được bồi thường thiệt hại. Việc bảo đảm quyền của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thể chế, chính sách, pháp luật; yếu tố con người; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động điều tra.

Trong thực tiễn pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, nội dung bảo đảm quyền của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự đã được đề cập trong các quy định tố tụng hình sự từ Sắc lệnh 46/SL năm 1945, pháp điển hoá trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và ngày càng hoàn thiện trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, 2015. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bảo đảm quyền con người là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt; trong đó chú trọng đến các nội dung: nguyên tắc tố tụng bảo đảm quyền của bị can; quyền của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trình tự, thủ tục điều tra; giám sát việc thực thi quyền của bị can trong giai đoạn điều tra. Về cơ bản, những quy định này đã đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Yêu cầu đặt ra đối với việc bảo đảm quyền của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là bảo đảm quyền của bị can phải gắn liền với chính sách của Đảng về chiến lược phát triển con người, đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phù hợp với các tiêu chí quốc tế về quyền con người, khắc phục những hạn chế trong thực tiễn điều tra và hướng đến hội nhập quốc tế. Để tăng cường bảo đảm quyền của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, bên cạnh giải pháp về hoàn thiện pháp luật, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp khác về nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp; đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền pháp luật; đổi mới cơ cở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động điều tra; xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm quyền con người của bị can.

Sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm đến vấn đề bảo đảm quyền con người nói chung và bảo đảm quyền của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự nói riêng.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!