Dân chủ đại diện ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp

 

 

 

   Tác giả: ThS. Đậu Công Hiệp (chủ biên)

   Nhà xuất bản: Thế Giới

   Năm xuất bản: 2021

   Vị trí tài liệu: Phòng đọc 1– Giá Tham khảo kinh tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ". Tư tưởng này của Người đã được tiếp thu và thể hiện xuyên suốt từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 cho đến Hiến pháp 2013.

Dân chủ đại diện là hình thức nhân dân thể hiện quyền làm chủ, tham gia quản lý nhà nước và xã hội thông qua hoạt động của những người đại diện và cơ quan đại diện cho mình. Đó là Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, trong đó cơ quan đại diện cao nhất là Quốc hội. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, tính dân chủ của các cơ quan đại diện luôn được đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, cuốn sách “Dân chủ đại diện ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp” của tập thể tác giả do ThS. Đậu Công Hiệp chủ biên cung cấp cho bạn đọc một cách nhìn thấu đáo hơn về chế định dân chủ đại diện ở Viêt Nam dưới hai góc độ lý luận và thực tiễn.

Về mặt lý luận, các tác giả làm rõ các khái niệm, đặc điểm và vai trò của chế định dân chủ đại diện. Từ những nghiên cứu về nhận thức và tư tưởng của nhân loại qua Thời kỳ Cổ đại ở phương Tây và Thời kỳ Khai sáng, các tác giả khẳng định tầm quan trọng của chế định dân chủ và các yếu tố cần thiết đảm bảo để phát huy vai trò này trong thực tiễn. Cùng với sự du nhập của văn minh Tây phương, đặc biệt thời kỳ Pháp thuộc và thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám, tư tưởng dân chủ đại diện đã trở thành nền tảng cho sự tồn tại và phát triển chế định này ở Việt Nam.

Về mặt thực tiễn, việc thực thi quyền lực của nhân dân bằng chế định dân chủ đại diện là một bước phát triển quan trọng và đóng vai trò nhất định. Điều kiện bầu cử, ứng cử được mở rộng và đảm bảo tốt hơn cho công dân tham gia vào bầu cử; các nguyên tắc bầu cử dần được đảm bảo. Các thiết chế dân chủ đại diện hoạt động hiệu quả hơn và mối liên hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri ngày một bền chặt. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật và việc thực thi các quy định còn một số hạn chế nhất định, như: quyền bầu cử của công dân còn mang tính hình thức, các quy định về đảm bảo vận động tranh cử trong bầu cử chưa phù hợp với thực tiễn; Luật Tổ chức Quốc hội chưa có quy định về quốc tịch đối với Đại biểu Quốc hội; vấn đề phân quyền, phân cấp, ủy quyền chưa được quy định rõ trong một số văn bản hiện nay.

Từ nghiên cứu thực trạng chế định dân chủ đại diện ở Việt Nam, các tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện chế định dân chủ đại diện, tăng cường hơn nữa mối liên hệ giữa nhà nước và nhân dân: Đẩy mạnh hoạt động tiếp xúc cử tri với các đại biểu; trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND bổ sung điều khoản về xử phạt lao động công ích hoặc phạt tiền đối với hành vi đi bầu hộ, bầu thay và nên mở rộng cơ chế cho các đảng viên tự ứng cử. Xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Xác định rõ trách nhiệm giữa đại biểu cử tri thông qua cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng,…

“Dân chủ đại diện ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp” là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc muốn tìm hiểu về chế định dân chủ đại diện ở Việt Nam hiện nay.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!