Quan điểm vượt thời đại trong tư tưởng "trị nước, an dân" của Lê Thánh Tông : giá trị kế thừa cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay

 

 

 

   Tác giả: Trần Việt Hà, Trịnh Văn Toàn đồng chủ biên

   Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật

   Năm xuất bản: 2021

   Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 1 - Giá: Chính trị Việt Nam.

Lê Thánh Tông không chỉ là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam mà còn là người con làm rạng danh đất Việt, để lại cho hậu thế nhiều bài học đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Việc nghiên cứu, đánh giá những tiến bộ của thời kỳ này có ý nghĩa thiết thực phục vụ quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền và đổi mới ở nước ta. Cuốn sách “Quan điểm vượt thời đại trong tư tưởng "trị nước, an dân" của Lê Thánh Tông: giá trị kế thừa cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay” giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tư tưởng “trị nước, an dân” của vị vua anh minh và đưa ra những gợi mở phù hợp với thực tiễn.

Chương mở đầu, các tác giả khái quát cuộc đời và sự nghiệp vua Lê Thánh Tông. Ông tên thật là Lê Tư Thành, sinh năm 1442, con thứ tư vua Lê Thái Tông. Tương truyền khi ra đời, Lê Thánh Tông có thần sắc khác thường, vẻ ngoài nhân hậu, rạng rỡ nhưng cũng nghiêm trang, có tố chất của bậc quân vương, trí dũng. Giai đoạn trước khi ông lên ngôi, triều Lê rơi vào khủng hoảng, đỉnh điểm là vụ giết Nguyễn Trãi (1442) và sự kiện Nghi Dân giết vua Lê Nhân Tông (1459). Sau khi lật đổ Lê Nghi Dân, Lê Thánh Tông được đưa lên ngôi, đặt niên hiệu là Quang Thuận, sau đổi thành Hồng Đức. Ông đã tiến hành cải cách đất nước trên tất cả các mặt trận, đặc biệt là quân sự, hành chính, kinh tế, giáo dục và luật pháp. Các thành tựu đạt được thời kỳ này có thể kể đến như: hoàn thiện bộ máy quan chế, thiết lập bản đồ Hồng Đức, bộ luật Hồng Đức, tiến cử quan lại tài năng, nghiêm khắc bài trừ tệ tham nhũng, sản xuất nông nghiệp phát triển, mở mang bờ cõi phía Nam và phía Tây,… Tuy tư tưởng của Lê Thánh Tông còn tồn tại một số hạn chế, bị chi phối bởi tính duy tâm và quan điểm thời phong kiến nhưng những công lao đóng góp của ông vì sự thái bình và ổn định đất nước là điều không thể phủ nhận.

Chương tiếp theo, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn một số nội dung cơ bản trong tư tưởng “trị nước, an dân” của Lê Thánh Tông. Cơ sở hình thành tư tưởng của ông do các nhân tố khách quan và chủ quan tác động. Nhân tố khách quan gồm: bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội. Giai đoạn này, đất nước có nhiều biến động và khủng hoảng, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và sự kiện Nghi Dân cho thấy phải có sự ổn định chính trị, đất nước mới phát triển vững vàng. Bên cạnh đó, vua Lê chịu ảnh hưởng mạnh bởi thể chế, hệ tư tưởng, lễ nghi của văn hoá Trung Hoa, với mong muốn sánh ngang với họ về mọi mặt. Nhân tố chủ quan: ông là người cá tính mạnh, có tư chất năng động, thông minh, quyết đoán, ham làm việc và học hỏi.

Nội dung cơ bản tư tưởng “trị nước, an dân” thể hiện trên các phương diện kinh tế, chính trị, pháp luật, quân sự, văn hoá, giáo dục, thơ văn gồm: chú trọng phát triển nông nghiệp, sửa đổi thuế khoá, điền địa; phát triển công thương nghiệp, ưu tiên lưu thông hàng hoá trong nước, hạn chế ngoại thương; xây dựng quân đội vững mạnh, gọn nhẹ, tinh nhuệ. Thực hiện chính sách đối ngoại mềm dẻo nhưng kiên quyết trên nguyên tắc độc lập và toàn vẹn về chủ quyền lãnh thổ; văn hoá, giáo dục, thơ văn tuy chịu ảnh hưởng của nước ngoài như Nho giáo, Lão Giáo, Phật giáo mà vẫn giữ bản sắc riêng của dân tộc và thời đại; chú trọng công tác tuyển dụng nhân tài,… Lê Thánh Tông cho rằng giữa “trị nước” và “an dân” có mối quan hệ biện chứng qua lại bởi muốn xây dựng triều đại vững mạnh thì phải chăm lo cái gốc của nước là dân.

Chương cuối, các tác giả đưa ra một số định hướng kế thừa và phát triển tư tưởng “trị nước, an dân” của Lê Thánh Tông trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở nghiên cứu các luận điểm của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam về kế thừa biện chứng, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các tác giả cho rằng, chúng ta cần phát huy những mặt tích cực, tiến bộ và loại bỏ những nội dung đã lỗi thời, lạc hậu, cụ thể: xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, gọn nhẹ, hiệu quả, thực hiện nguyên tắc “trên dưới liên kết hiệp đồng, trong ngoài kiềm chế lẫn nhau”, “chức vụ và trách nhiệm nghiêm minh, quyền lợi và nghĩa vụ tương xứng”; thượng tôn pháp luật, kết hợp “đức trị” và “pháp trị”; bồi dưỡng nhân tài, tuyển chọn cán bộ công khai, minh bạch; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đồng thời mở rộng giao lưu và tiếp biến những giá trị tinh hoa văn hoá của các dân tộc khác trên thế giới.

Sách là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách và bạn đọc quan tâm đến vấn đề cải cách hành chính cũng như lịch sử nước nhà.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!