Công lý và sự thể hiện công lý trong Hiến pháp Việt Nam

 

 

 

    Tác giả: Nguyễn Xuân Tùng

    Nhà xuất bản: Tư pháp

    Năm xuất bản: 2021

    Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 - Giá: 03.

Công lý là giá trị nền tảng, cốt lõi trong việc tổ chức một xã hội trật tự, ổn định, công bằng. Cho đến nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, chưa có định nghĩa chung, thống nhất về công lý. Nhằm cung cấp cho độc giả góc nhìn khách quan về công lý nói chung và sự thể hiện của công lý trong Hiến pháp Việt Nam nói riêng, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn sách “Công lý và sự thể hiện công lý trong Hiến pháp Việt Nam” của TS. Nguyễn Xuân Tùng.

Những vấn đề lý luận chung về công lý được đề cập trong cuốn sách gồm: tư tưởng sơ khai, khái niệm, cơ sở hình thành, thành tố thiết yếu, đặc điểm, phân loại; quá trình hình thành, phát triển tư tưởng công lý trước và sau năm 1945 ở nước ta; tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý. Các quan niệm, học thuyết, lý thuyết về công lý có một bề dày lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, xoay quanh vấn đề bảo vệ sự công bằng, phòng ngừa, trừng phạt hành vi sai trái và xuất hiện ở nhiều loại hình ý thức xã hội khác nhau như thần thoại, trường ca, kịch, tôn giáo,.... Trên thế giới, có nhiều cách phân loại công lý nhưng phổ biến nhất là phân loại thành “công lý phân phối” và “công lý trừng phạt”. Ở Việt Nam, tư tưởng về công lý cũng xuất hiện từ rất sớm. Giai đoạn trước năm 1945, thời kỳ sơ khai, khi các cơ quan công quyền chưa được tổ chức để xét xử các vụ tranh chấp giữa cá nhân với nhau thì công lý được quan niệm là “tư nhân phục cừu”, trong đó “báo thù” là cơ chế điển hình. Khi chế độ phong kiến ra đời, “chế độ thục kim” chiếm ưu thế, sau đó xuất hiện chế tài hình sự và trách nhiệm dân sự. Thời Pháp thuộc, công lý được sử dụng phần lớn cho việc giáo dục nhân cách, là công cụ đấu tranh thức tỉnh lòng yêu nước. Từ năm 1945 đến nay, quan niệm về công lý được hiểu khá gần với cách hiểu của nền khoa học pháp lý phương Tây, gắn chặt với yêu cầu tôn trọng luật lệ, thượng tôn pháp luật, bảo đảm tự do cá nhân. Tác giả dành một số trang viết làm rõ nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý nhằm khẳng định giá trị của nó trong việc bảo vệ quyền lợi nhân dân, dân tộc; hướng đến những giá trị tốt đẹp, tiến bộ của nhân loại.

Với vai trò là văn kiện chính trị - pháp lý hàng đầu của mỗi quốc gia, Hiến pháp tập trung thể hiện các khía cạnh của công lý ở một số chế định cơ bản sau:  Hiến pháp tuyên ngôn công lý là giá trị chung của cộng đồng xã hội; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được xét xử công bằng; xác lập nền kinh tế tự do, bình đẳng và cơ chế phân phối bảo đảm công bằng xã hội; xác lập mô hình nhà nước pháp quyền; thiết lập quyền tư pháp, Tòa án là thiết chế trung tâm bảo vệ công lý. Ở Việt Nam, các bản hiến pháp ghi nhận công lý là giá trị cơ bản của cộng đồng xã hội; bảo vệ quyền con người, quyền công dân đặc biệt là các quyền tố tụng; thiết lập mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; thiết lập cơ chế cơ bản của công lý phân phối thông qua chế định về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thiết lập quyền tư pháp và giao Tòa án nhân dân nhiệm vụ bảo vệ công lý đồng thời giao Viện Kiểm sát nhân dân nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp,…

Xuất phát từ yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tác giả nêu một số quan điểm thúc đẩy, bảo vệ công lý như: tăng cường, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng; bảo đảm đồng bộ và có lộ trình, bước đi thích hợp; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế kết hợp kế thừa truyền thống pháp lý đất nước. Một số giải pháp đưa ra tập trung vào việc nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoàn thiện các chế định, khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong thực tiễn của Hiến pháp năm 2013 về công lý và bảo vệ công lý;...

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!