Tìm hiểu luật tục các tộc người ở Việt Nam

 

 

 

  Tác giả: GS. TS. Ngô Đức Thịnh

  Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

  Năm xuất bản: 2019

  Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 - Giá 01

                       Phòng mượn 2 - Giá 01.                           

                            

Luật tục nảy sinh, tồn tại và biến đổi trong môi trường văn hóa, là một bộ phận của văn hóa - văn hóa quan hệ, giao tiếp mang tính chuẩn mực, quy chuẩn.Luật tục là một hình thức của tri thức dân gian, hình thành trong lịch sử lâu dài qua kinh nghiệm ứng xử với môi trường, xã hội; được thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau và truyền từ đời này qua đời khác bằng trí nhớ hay qua thực hành sản xuất và thực hành xã hội. Để có cái nhìn bao quát và hệ thống các vấn đề về luật tục, GS. TS. Ngô Đức Thịnh đã biên soạn cuốn sách Tìm hiểu luật tục các tộc người ở Việt Nam”. Tác giả nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của luật tục như nguồn gốc, nội dung, giá trị,… và giới thiệu luật tục của một số tộc người.

Luật tục hình thành và định hình từ phong tục, tập quán nên là hình thức trung gian giữa phong tục và luật, là hình thức của văn hóa luật pháp, mang tính đa dạng, năng động, cộng đồng và tự biến đổi.

Tùy theo truyền thống mỗi tộc người, làng buôn mà nội dung luật tục có những nét đặc thù. Nhưng tựu chung lại, luật tục các tộc người đều đề cập đến những nội dung sau: hệ thống tổ chức và quản lý cộng đồng; trật tự an ninh; phong tục tập quán; hôn nhân gia đình; sở hữu, thừa kế tài sản; bảo vệ và sử dụng tài nguyên môi trường; tội lỗi và các hình phạt.

Hình thức của luật tục ở nước ta rất đa dạng, nhưng xét theo tính chất và trình độ phát triển, luật tục được chia thành ba dạng: luật tục truyền miệng (Tây Nguyên), luật tục văn bản hóa (Thái, Chăm) và luật tục thành văn (Việt). Trong phạm vi cuốn sách này, tác giả giới thiệu một số luật tục đại diện cho ba hình thức trên: Luật tục truyền miệng của các tộc người ở Tây Nguyên, tiêu biểu là PhatKdi của dân tộc Êđê, PhatKtuôi của M’nông; Hit khỏong bản mường của dân tộc Thái và Hương ước của người Việt. Hương ước của người Việt đạt trình độ phát triển cao nhất bởi nội dung của nó thể hiện tính “luật” rõ hơn tính “phong tục”.

Việc thực thi luật tục trong thực tiễn xã hội cũng rất quan trọng. Tuy nhiên khía cạnh này chưa được nghiên cứu kĩ lưỡng và quan tâm đúng mức. Trong quyển sách này, tác giả chỉ giới thiệu một số hình thức luật tục đang được thực thi trong xã hội ở một số dân tộc hiện nay như: thực thi luật tục người Raglai ở Khánh Hoà, Toà án phong tục, Tổ hoà giải.

Luật tục là di sản văn hóa có giá trị ở nhiều khía cạnh: là tư liệu gốc quý hiếm để nghiên cứu xã hội và văn hóa tộc người; cơ sở để tìm hiểu bản sắc văn hóa của các dân tộc; là kho tàng tri thức dân gian phong phú về môi trường, quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên và tri thức về ửng xử, quản lý cộng đồng.

Luật tục và luật pháp có những nét tương đồng và khác biệt nên luôn kết hợp, bổ sung cho nhau. Luật tục tồn tại, phát triển phải chịu sự chỉ đạo và chi phối của luật pháp nhà nước. Do vậy, trong thời đại ngày nay để thực hiện tốt vấn đề nông dân, nông thôn, nông nghiệp ngoài việc  duy trì, phát huy những giá trị, yếu tố tích cực của luật tục thì Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã đề ra các chính sách, biện pháp chủ yếu là vận động, tuyên truyền để loại bỏ những hủ tục của luật tục trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!