Pháp luật quốc tế về quản lý tài nguyên khoáng sản biển và thực tiễn của Việt Nam

 

 

 

Tác giả: Phạm Hồng Hạnh

Nhà xuất bản: Công an Nhân dân

Năm xuất bản: 2020

Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 02 - Giá 23.

Cuốn sách “Pháp luật quốc tế về quản lý tài nguyên khoáng sản biển và thực tiễn của Việt Nam” khái quát những vấn đề lý luận và pháp lý về quản lý tài nguyên khoáng sản biển trong pháp luật quốc tế. Qua phân tích thực tiễn quản lý tài nguyên khoáng sản biển nói chung và khai thác dầu khí ở Việt Nam nói riêng, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý nguồn tài nguyên này.

Mở đầu cuốn sách, tác giả trình bày khái niệm khoáng sản biển và quản lý khoáng sản biển, lịch sử hình thành phát triển, nguyên tắc của pháp luật quốc tế và chủ thể có thẩm quyền quản lý khoáng sản.

Các chương tiếp theo, bạn đọc được tìm hiểu những quy định của pháp luật quốc tế về quản lý thăm dò, khai thác khoáng sản biển tại thềm lục địa rộng 200 hải lý không có tranh chấp, thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý, thềm lục địa chưa phân định và Vùng - di sản chung của nhân loại. Trong đó, tác giả tập trung trình bày những quy định liên quan đến chủ thể, các hoạt động được cho phép tiến hành trong Vùng, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ và xử lý vi phạm của các chủ thể trong quá trình tiến hành hoạt động khai thác tại Vùng.

Khoáng sản biển từ lâu đã mang lại những giá trị kinh tế lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, khai thác khoáng sản biển cũng có những tác động không nhỏ đến môi trường. TS. Phạm Hồng Hạnh làm rõ nghĩa vụ chung, trách nhiệm của chủ thể trong bảo vệ, giữ gìn môi trường biển và một số biện pháp bảo vệ giữ gìn môi trường biển theo Công ước quốc tế về luật biển.

Mặc dù khoáng sản biển ở Việt Nam khá phong phú nhưng dầu khí vẫn là nguồn tài nguyên được khai thác phổ biến nhất hiện nay. Xét một cách tổng thể hệ thống văn bản hiện hành đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động quản lý dầu khí. Tuy nhiên, hệ thống này còn có những quy định chung chung, chưa cụ thể hoặc không hợp lý; quy định nằm rải rác trong nhiều văn bản: Luật Dầu khí, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…; một số quy định trong bảo vệ môi trường chưa tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chương cuối sách mang đến bức tranh toàn cảnh về thực tiễn thực thi pháp luật về quản lý dầu khí của Việt Nam: tiềm năng dầu khí của Việt Nam, thực tiễn thăm dò khai thác, vấn đề bảo vệ môi trường biển và giải quyết tranh chấp quốc tế trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. Bên cạnh đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao hoạt động quản lý tài nguyên dầu khí của Việt Nam.

Hy vọng với những kiến thức pháp lý được trình bày trong cuốn sách sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho mỗi người dân, các tổ chức cá nhân đang trực tiếp tiến hành các hoạt động thăm dò khai thác tài nguyên biển về pháp luật quốc tế nói chung, luật biển quốc tế nói riêng.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!