Kỹ năng viết cho người hành nghề luật

 

 

 

Tác giả: Trần Thị Quang Hồng

Năm xuất bản: 2021

Nhà xuất bản: Hồng Đức

Vị trí tài liệu: Phòng đọc 2 – Giá Luật Hành chính.

Trong cuốn sách “Effective Legal Writing”, Frank E. Cooper từng viết “Ngôn ngữ là công cụ làm việc của luật sư”. Trên thực tế, ngôn ngữ còn là thước đo trình độ, năng lực, tính chuyên nghiệp của người hành nghề luật. Hiểu được điều này, TS. Trần Thị Quang Hồng viết cuốn sách “Kỹ năng viết cho người hành nghề luật” nhằm khai thác sức mạnh của ngôn ngữ, nâng cao hiệu quả công việc, đặc biệt là kỹ năng viết khi hành nghề luật.

Dưới góc nhìn tổng quan về nghề luật, tác giả đưa ra thông tin chung về các vị trí việc làm trong nghề luật, tầm quan trọng của kỹ năng viết đối với người hành nghề luật và các loại văn bản mà họ soạn thảo khi làm việc. Qua đó, trang bị cho người đọc hiểu biết cơ bản về những công việc chuyên môn trong nghề luật, làm hành trang khởi đầu sự nghiệp của mình. Một điểm rất thú vị và thực tế của cuốn sách là chỉ ra sự khác biệt giữa tư duy viết của sinh viên và người hành nghề luật. Bài viết của sinh viên phụ thuộc vào sự trông đợi của giảng viên, mục tiêu là chứng minh kiến thức và không có hậu quả pháp lý xảy ra. Đối với người hành nghề luật, viết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giải quyết các tình huống pháp lý và kết quả công việc ảnh hưởng đến uy tín của họ. Vậy nên cân bằng giữa lý thuyết pháp luật và kỹ năng vận dụng là điều cần thiết đối với các bạn trẻ muốn theo nghề luật. Trong kỹ năng viết, tác giả chia thành hai chủ đề Kỹ năng viết văn bản tiếng ViệtKỹ năng viết văn bản tiếng Anh.

Kỹ năng viết văn bản tiếng Việt cung cấp cho người đọc cách tiếp cận kỹ năng này một cách toàn diện dưới nhiều khía cạnh: kỹ năng chung và kỹ năng riêng cho từng loại văn bản cụ thể; nội dung và hình thức văn bản. Đối với phương pháp viết nói chung, tác giả hướng dẫn cụ thể, chi tiết về thể thức văn bản, cách sử dụng ngôn ngữ và đặc biệt là các bước soạn thảo văn bản. Người đọc không nhất thiết phải thực hiện tuần tự từng bước trong thực tế, mà dựa trên sự phân tách đó tự đánh giá chất lượng của văn bản và biết điểm nào cần khắc phục. Đối với kỹ năng viết chuyên biệt, tác giả không chỉ giới hạn trong một nghề mà hướng dẫn đa dạng gắn với một số nghề như luật sư (bản phân tích pháp lý, bản tranh luận, hợp đồng), công chứng viên (văn bản công chứng), thừa phát lại (vi bằng),… Chính vì vậy, ngoài việc cung cấp các kỹ năng có tính thực hành cao, tác giả còn mang đến cho bạn đọc kiến thức đa dạng về pháp luật và hành nghề luật ở Việt Nam. Mặt khác, các lỗi thường gặp khi soạn thảo như lỗi diễn đạt câu, cùng với những chi tiết chúng ta mặc định sử dụng nhưng lại ít để tâm như việc thể hiện cảm xúc trong bản tranh luận được tác giả chỉ ra với những lý giải khá bất ngờ và thú vị.

Kỹ năng viết văn bản tiếng Anh tập trung chủ yếu vào việc chuyển ngữ giữa tiếng Anh và tiếng Việt cũng như những lưu ý bổ sung liên quan đến cách diễn đạt, cấu trúc,… Những kỹ năng, yêu cầu chung về soạn thảo văn bản trình bày trong phần tiếng Việt được sử dụng như thông tin nền cho cả phần tiếng Anh. Với cách tiếp cận hệ thống, logic, cuốn sách làm rõ sự khác biệt trong tư duy giữa hai ngôn ngữ, từ đó rút ra cách thức diễn đạt cơ bản khi viết văn bản pháp lý tiếng Anh. Các ví dụ được trình bày cụ thể, dễ hiểu qua bảng so sánh, có gợi ý điều chỉnh để tham khảo. Song song với việc giải thích cấu trúc, nội dung của các loại văn bản, cuốn sách cũng chứa đựng nhiều kiến thức về ngôn ngữ và hệ thống pháp luật một số quốc gia trên thế giới.

Đọc là thấm, đọc là đồng cảm, đọc là tư duy. Cuốn sách không chỉ dành cho những người hành nghề luật mà cả các nhà nghiên cứu và những người làm văn phòng muốn nâng cao kỹ năng viết trong công việc.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!