Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng theo pháp luật Việt Nam

      Tác giả: TS. Hoàng Văn Hữu

      NXB: Tư Pháp

      Năm xuất bản: 2024

      Địa chỉ: Phòng đọc 2 – Giá sách 14

 

Hành vi gây thiệt hại của công chứng viên trong quá trình tác nghiệp là việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình, thủ tục công chứng, gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do công chứng viên gây ra trong hoạt động công chứng là một dạng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do cá nhân gây ra khi thi hành nhiệm vụ. Cuốn sách “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng theo pháp luật tại Việt Nam” của tác giả TS. Hoàng Văn Hữu sẽ cung cấp cho độc giả một cái nhìn toàn diện về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng, từ khái niệm, căn cứ pháp lý đến thực tiễn áp dụng tại Việt Nam.

Chương một trình bày những vấn đề lý luận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng. Việc phân tích định nghĩa và đặc điểm của trách nhiệm này giúp người đọc hiểu rõ khái niệm và tầm quan trọng của việc bồi thường khi xảy ra các hành vi gây thiệt hại trong quá trình công chứng. Theo tác giả, trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: trách nhiệm bồi thường do lỗi trực tiếp của công chứng viên và lỗi gián tiếp thông qua tổ chức công chứng. Tác giả phân tích rõ từng loại trách nhiệm này, giúp người đọc dễ dàng phân biệt và hiểu được sự khác biệt trong quy trình áp dụng pháp luật. Ngoài ra, Chương một cũng đề cập đến các quy định pháp lý về chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường và chủ thể thực hiện trách nhiệm bồi thường. Việc xác định chủ thể có quyền yêu cầu và thực hiện trách nhiệm bồi thường là yếu tố quan trọng để bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan khi xảy ra thiệt hại.

Chương hai phân tích thực trạng pháp luật hiện hành của Việt Nam liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng; cung cấp cái nhìn khái quát về cấu trúc và nội dung của các quy định pháp lý, qua đó giúp người đọc hiểu rõ hơn về những điểm mạnh và yếu của hệ thống pháp luật hiện tại trong lĩnh vực này. Tác giả nêu bật những quy định và nguyên tắc quan trọng trong việc thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện những quy định này trong thực tiễn. Bên cạnh đó, chương hai còn đề cập đến những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong công chứng, đồng thời chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại về chủ thể thực hiện, căn cứ phát sinh, nguồn kinh phí bồi thường và việc áp dụng pháp luật của một số Toà án khi giải quyết bổi thường còn chưa thống nhất. Các nguyên nhân gây ra những hạn chế này cũng được làm rõ, bao gồm những bất cập trong quy định pháp luật, sự không đồng bộ trong quá trình thực hiện và một số yếu tố khách quan khác.

Chương ba tập trung vào các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong công chứng và nâng cao hiệu quả thi hành. Tác giả định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật theo bốn tiêu chí: bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên; thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hoá; thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hướng đến tính chuyên nghiệp, hiệu quả và hội nhập với nền công chứng trên thế giới. Từ những định hướng trên, tác giả đưa ra giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật, bao gồm: hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong thực thi pháp luật; tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính công bằng và chính xác trong các vụ bồi thường. Những giải pháp này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại mà còn góp phần tạo ra một môi trường pháp lý ổn định, minh bạch cho hoạt động công chứng.

Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho những người quan tâm đến các vấn đề pháp lý liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực công chứng, bao gồm các nhà nghiên cứu, luật sư, công chứng viên và cả người dân có nhu cầu tìm hiểu về hệ thống pháp luật công chứng.

Trân trọng giới thiệu bạn đọc!