Cơ sở lý luận và thực tiễn về hạn chế quyền con người ở Việt Nam hiện nay

    Tác giả: TS. Nguyễn Linh Giang (Chủ biên)

    Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

    Năm xuất bản: 2022

    Địa chỉ: Phòng đọc 2 - Giá 03

Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận nguyên tắc giới hạn quyền con người, nguyên tắc mang ý nghĩa quan trọng trong việc vận dụng tinh thần của Luật Nhân quyền quốc tế. Cuốn sách “Cơ sở lý luận và thực tiễn về hạn chế quyền con người ở Việt Nam hiện nay do TS. Nguyễn Linh Giang làm chủ biên, phân tích các quy định của pháp luật quốc tế, học tập kinh nghiệm của các nước trong việc diễn giải và áp dụng các nguyên tắc về hạn chế quyền con người, từ đó đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế liên quan đến hạn chế quyền con người ở Việt Nam. Cuốn sách gồm 4 chương.

Chương 1: “Những vấn đề lý luận về hạn chế quyền con người, tác giả đưa ra các triết lý của việc hạn chế quyền con người như: khái niệm, giải thích nguyên nhân của hạn chế quyền con người; phân biệt khái niệm hạn chế quyền và khái niệm thoái lui nghĩa vụ; phân loại quyền và phân loại các cách thức hạn chế quyền trong pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra các phương pháp xác định việc hạn chế quyền và các nguyên tắc căn bản trong hạn chế quyền con người bao gồm: Nguyên tắc ứng xử, nguyên tắc cân bằng, nguyên tắc nhất quán, nguyên tắc đảm bảo không xâm phạm những quyền không thể bị hạn chế và nguyên tắc không có sự phân biệt đối xử.

Chương 2: “Pháp luật quốc tế về nguyên tắc hạn chế quyền con người, Luật Nhân quyền quốc tế ghi nhận những quyền cơ bản nhất của cá nhân với tư cách là con người từ lĩnh vực dân sự, chính trị cho tới kinh tế, văn hoá, xã hội… nhưng đều bị giới hạn phạm vi áp dụng. Cũng theo pháp luật này, việc hạn chế hay thoái lui nghĩa vụ thực hiện quyền con người chủ yếu do các vấn đề về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, trật tự công cộng, đạo đức, sức khoẻ, lợi ích của cộng đồng… Vì vậy, hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người đều có các điều khoản quy định về hạn chế quyền con người với mục tiêu bảo đảm duy trì trật tự trong cuộc sống xã hội, từ đó tạo tiền đề phát triển xã hội văn minh giàu mạnh.

Chương 3: “Các nguyên tắc hạn chế quyền con người theo Hiến pháp năm 2013, tác giả phân tích thực trạng các nguyên tắc hạn chế quyền con người ở Việt Nam trong Hiến pháp 2013, đó là: Hạn chế quyền con người, quyền công dân bằng quy định của luật, hạn chế trong một số trường hợp cần thiết, hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, hạn chế quyền con người vì lý do trật tự xã hội,... Từ việc phân tích hạn chế về quyền con người trong các bản Hiến pháp khác qua các năm, tới thực trạng các quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này, tác giả cho rằng vẫn còn thiếu sự thống nhất trong vấn đề hạn chế quyền con người, quyền công dân và giữa hiến pháp với luật.

Chương cuối: “Kiến nghị hoàn thiện cơ chế liên quan đến hạn chế quyền con người ở Việt Nam”, các tác giả nêu ý nghĩa của nguyên tắc hạn chế quyền con người trong Hiến pháp 2013, đánh dấu sự thay đổi triết lý về quyền con người và củng cố định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng thời khẳng định nguyên tắc hạn chế là công cụ mạnh mẽ để kiểm soát quyền lực nhà nước. Từ đó, đưa ra các kiến nghị hoàn thiện cơ chế liên quan đến hạn chế quyền con người ở Việt Nam hiện  nay.

Sách là tài liệu hữu ích phục vụ cho công tác học tập, giảng dạy, nghiên cứu đối với các sinh viên, giảng viên và các nhà khoa học.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!