Quyền nhân thân và bảo vệ quyền nhân thân theo pháp luật Việt Nam (Tập 1)

Tác giả: TS. Nguyễn Văn Hợi (Chủ biên)

Nhà xuất bản: NXB Tư pháp

Năm xuất bản: 2023

Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 – Giá: Luật Dân sự

Từ xa xưa đến nay, việc ghi nhận và bảo vệ quyền con người luôn là nội dung cốt lõi và quan trọng trong các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất ở phạm vi quốc tế cũng như trong pháp luật Việt Nam. Trong nội dung quyền con người, với vai trò là “quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân”, quyền nhân thân là một đối tượng được pháp luật ghi nhận và bảo vệ từ Hiến pháp cho tới các đạo luật chuyên ngành, đặc biệt có một vị trí quan trọng trong Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên trong thực tiễn, việc tiếp cận, hiểu và áp dụng các quy định pháp luật về quyền nhân thân và vấn đề bảo vệ quyền nhân thân chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía các chủ thể trong xã hội, bao gồm cả chính chủ thể mang quyền nhân thân. Nhận thức được tầm quan trọng của việc cung cấp kiến thức lý luận, thực trạng pháp luật, thực tiễn thực hiện cũng như quan điểm hoàn thiện quy định của pháp luật về quyền nhân thân và bảo vệ quyền nhân thân, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản tác phẩm “Quyền nhân thân và bảo vệ quyền nhân thân theo pháp luật Việt Nam” do Tiến sĩ Nguyễn Văn Hợi chủ biên. Thông qua cuốn sách, nhóm tác giả đã trình bày và phân tích một cách tổng quát về quyền nhân thân và bảo vệ quyền nhân thân trên cơ sở những quan điểm được thừa nhận chung và những quan điểm mang tính tham khảo từ cơ bản đến cụ thể với mong muốn mang đến cho bạn đọc góc nhìn tương đối toàn diện về quyền nhân thân và bảo vệ quyền nhân thân.

Tác phẩm gồm 2 tập, trong đó, tập 1 được chia thành 3 chương:

Chương 1: Trình bày tổng quan về quyền nhân thân, làm sáng tỏ khái niệm, đặc điểm, phân loại quyền nhân thân; phân biệt quyền nhân thân với quyền tài sản; phân tích vai trò của việc ghi nhân quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự và khái quát quy định pháp luật về quyền nhân thân trong phạm vi quốc tế và quốc gia.

Chương 2: Phân tích về quyền nhân thân liên quan đến cá biệt hoá cá nhân. Trong đó, nội dung chương tập trung luận giải những vấn đề lý luận cơ bản như khái niệm, đặc điểm, cơ sở ghi nhận, thực trạng quy định pháp luật, thực tiễn thực hiện pháp luật bên cạnh việc lồng ghép những quan điểm hoàn thiện pháp luật liên quan đến những quyền cụ thể: quyền có họ, tên; quyền thay đổi họ, tên; quyền xác định, xác định lại dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền đối với quốc tịch; quyền xác định lại giới tính và quyền của cá nhân đối với hình ảnh.

Chương 3: Triển khai nội dung về quyền nhân thân liên quan đến thân thể của cá nhân. Nhóm tác giả đã đề cập đến khái niệm, đặc điểm, giới hạn quyền, cơ sở ghi nhận, thực trạng quy định và thực tiễn thực hiện pháp luật bên cạnh những quan điểm hoàn thiện pháp luật đối với 3 quyền quan trọng nhất của nhóm quyền nhân thân liên quan đến thân thể của cá nhân, đó là quyền sống, quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; chuyển đổi giới tính.

Với phương pháp tiếp cập thông tin đa chiều, phân tích dưới nhiều quan điểm tiến bộ có tính chuyên môn cao một cách hệ thống, cuốn sách cung cấp tới độc giả những kiến thức cơ bản về quyền nhân thân và bảo vệ quyền nhân thân một cách dễ hiểu, dễ tiếp cận. “Quyền nhân thân và bảo vệ quyền nhân thân theo pháp luật Việt Nam” là nguồn tài liệu hữu ích phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu không chỉ đối với các sinh viên, giảng viên, các cơ sở đào tạo ngành Luật pháp mà còn là một tác phẩm hay đối với bạn đọc có mong muốn tìm hiểu và yêu thích nội dung về pháp luật, đặc biệt là vấn đề nhân quyền.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!