|
Tác giả: TS. Trần Công Trục (Chủ biên)
Nhà Xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật
Năm xuất bản: 2022
Địa chỉ: Phòng đọc 02 – Giá Luật Quốc tế
|
Cuốn sách “Tranh chấp Biển Đông - Pháp lý và thực tiễn” được Tiến sĩ (TS.) Trần Công Trục chủ biên, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành năm 2022, là một tác phẩm đáng chú ý trong lĩnh vực nghiên cứu pháp lý về quan hệ quốc tế. Đây là một công trình khoa học có giá trị không chỉ về lý thuyết mà còn về thực tiễn trong bối cảnh tranh chấp phức tạp tại Biển Đông đang diễn ra hiện nay.
Với cương vị là Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính Phủ, chủ biên của cuốn sách, TS. Trần Công Trục là một trong những người đầu tiên tham gia biên dịch các tài liệu và nội dung của UNCLOS 1982 ra tiếng Việt, là người tham gia các cuộc đàm phán biên giới Việt Nam với Trung Quốc ngay từ những ngày đầu sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ, là Phó đoàn đàm phán cấp Chính phủ, từng là trưởng nhóm chuyên gia đàm phán biên giới đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và các vấn đề trên biển. TS. Trần Công Trục đã đúc kết và đưa vào cuốn sách “Tranh chấp Biển Đông - Pháp lý và thực tiễn” những kinh nghiệm và trải nghiệm sâu sắc từ quá trình tiếp xúc trực tiếp với những vấn đề về chủ quyền và Biển Đông.
Cuốn sách được chia thành 4 chương, mỗi chương là một phần quan trọng trong việc phân tích và giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông, cung cấp cái nhìn sâu sắc và toàn diện về các khía cạnh pháp lý, chính trị và kinh tế của vấn đề này, bao gồm những nội dung: Tranh chấp quốc tế; Các loại tranh chấp trong Biển Đông dưới góc độ pháp lý; Các bất đồng, tranh chấp trong Biển Đông; Nhận diện thông tin, nhận thức và luận điểm sai trái đang tồn tại.
Từ phần mở đầu, cuốn sách đã làm rõ các khái niệm “tranh chấp”, “lãnh thổ quốc gia”, giới thiệu bối cảnh lịch sử và địa chính trị của Biển Đông, nơi đang diễn ra những tranh chấp căng thẳng giữa nhiều quốc gia với những quyền lợi và yêu sách khác nhau. Trước hết, ta cần phải hiểu sâu hơn về Biển Đông, cụ thể: Biển Đông là gì, ở đâu, và lí do tại sao vùng biển này lại gắn liền với an nguy của một đất nước. Biển Đông là một biển nửa kín, nằm ở rìa Tây Thái Bình Dương trải rộng từ vĩ độ 30 đến vĩ độ 260 Bắc và từ kinh độ 1000 đến 1210 Đông, được bao bọc bởi 9 nước, trong đó có Việt Nam. Biển Đông có hai vịnh lớn là Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan, và có diện tích khoảng 3,5 triệu km2. Đây là một trong những khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới nói chung, nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu – Châu Á, Trung Đông – Châu Á. Với những giá trị to lớn mà Biển Đông mang lại, không ít những quốc gia muốn sở hữu khu vực này “làm của riêng”, xảy ra nhiều tranh chấp.
“Tranh chấp Biển Đông: Pháp lý và thực tiễn” đề cập đến các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu, quyền khai thác tài nguyên và các tranh chấp lãnh hải giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Cuốn sách trình bày cơ sở pháp lý, bao gồm: Các quy định quốc tế như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, các điều khoản về quyền lợi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), và thềm lục địa. Các bên liên quan trong quá trình tranh chấp cũng được TS. Trần Công Trục tìm hiểu và phân tích rất kỹ, bao gồm những quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Philipines, Malaysia, Brunei và Đài Loan, cũng như lập trường và yêu sách của từng nước. Không chỉ dừng lại ở việc mô tả đơn thuần yêu sách và quan điểm của các bên liên quan, cuốn sách còn đi sâu vào phân tích các căn cứ pháp lý và hợp pháp của những yêu sách này. Điều này giúp độc giả hiểu rõ hơn về nguồn gốc và cơ sở pháp lý của các tranh chấp, cũng như những thách thức mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt khi giải quyết chúng.
Một điểm nổi bật của cuốn sách là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn. Bên cạnh việc cung cấp một cái nhìn tổng quan về cơ sở pháp lý, “Tranh chấp Biển Đông: Pháp lý và thực tiễn” còn đưa ra những sự kiện thực tế xảy ra ở Biển Đông, bao gồm việc xây dựng đảo nhân tạo, các cuộc đối đầu trên biển, và những diễn biến ngoại giao liên quan. Đồng thời, trình bày các giải pháp hoà bình, những nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, trọng tài quốc tế (như vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc) và vai trò của các tổ chức quốc tế.
Hơn tất cả, xuyên suốt nội dung truyền tải trong cuốn sách, chủ biên và các công sự luôn nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, không để sót một con chữ nào nói về việc hợp pháp khi Việt Nam là chủ của một vùng nước đã theo ta hàng ngàn năm trời, để chúng ta không ngừng nhắc nhở bản thân về chủ quyền vốn có của đất nước: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.
Cuốn sách “Tranh chấp Biển Đông: Pháp lý và thực tiễn” là một tài liệu hữu ích cung cấp kiến thức pháp lý về tranh chấp trên Biển Đông, được trình bày một cách hệ thống và logic với những phân tích sắc bén và luận điểm có giá trị. Đây không chỉ là tài liệu hữu ích dành cho các nhà nghiên cứu, sinh viên, học viên mà còn dành cho các nhà hoạch định chính sách và công chúng quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Với cách tiếp cận toàn diện và khoa học, “Tranh chấp Biển Đông: Pháp lý và thực tiễn” góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết về một trong những vấn đề quan trọng và phức tạp nhất trong quan hệ quốc tế hiện đại.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!