|
Tác giả: Giáo sư Eirikur Bergmann
Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật
Năm xuất bản: 2022
Địa chỉ: Phòng đọc 1 – Giá Chính trị
|
Trong những năm gần đây, có thể thấy nhu cầu về hoà bình, hợp tác và cùng nhau phát triển đang được các quốc gia bày tỏ rõ ràng hơn bao giờ hết, bằng chứng là một số định hướng chính trị lớn như vận động để hình thành trật tự thế giới mới; dịch chuyển quyền lực diễn ra mạnh từ Tây sang Đông; toàn cầu hóa, đẩy mạnh hội nhập và liên kết Quốc tế… đang trở thành xu thế trên thế giới. Tuy nhiên, dưới “cái mác” về ngoại giao hoà bình thực chất lại là một cuộc chơi của ván bài chính trị đỏ đen vô cùng khó lường. Bằng quan điểm vững vàng cùng ngòi bút sắc sảo, giáo sư Eirikur Bergmann cho ra mắt tác phẩm: “Thuyết âm mưu và chủ nghĩa dân tuý: Chính trị học về thông tin sai lệch” dài 298 trang, từng bước mổ xẻ cơn ác mộng về thứ quan điểm hoà bình “tử tế” mà các đảng phái hết mực tôn sùng, những kẻ đóng vai "người hùng đơn độc" sẵn sàng chống lại cả hệ thống quyền lực hiện hành.
Với tư duy chính trị khéo léo, Bergmann xây dựng bố cục cho những phân tích của mình một cách chặt chẽ, thể hiện qua 8 chương, cụ thể: Chương 1: “Giới thiệu”, mở ra với một dãy khái niệm và thực trạng chính trị của một số quốc gia Châu Âu như “Deep State”- thuật ngữ chỉ mạng lưới bí mật của các quan chức, chính trị gia chuyên nghiệp và các cơ quan liên quan đang kiểm soát xã hội từ trong bóng tối. Chương 2: bắt đầu bằng việc hệ thống hóa các loại thuyết âm mưu, “các loại” phổ biến nhất và được công chúng tán dương. Chương 3, 4 và 5, là sự đào sâu những tài liệu phái sinh từ thuyết âm mưu, định hình chúng trong bối cảnh của nền chính trị dân tuý, tiếp tục đề cập đến chủ nghĩa dân túy mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc cánh hữu hiện thời, giải mã câu đố về cách thức mà chúng được áp dụng trong chính trị. Tiếp đó ở chương 6, 7, 8, Bergmann khám phá thuyết âm mưu về thuyết Eurabia (hay Ả Rập hoá châu Âu); thảo luận về cách thức mà các thuyết âm mưu chính trị mang màu sắc dân tuý được lan truyền ở Nga, Hoa Kỳ; tổng hợp tư liệu và đưa đến kết luận “Những người theo chủ nghĩa dân tuý sử dụng thuyết âm mưu để thúc đẩy đường lối chính trị của họ”.
Đối với nhân loại, ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0 còn đối với các chính trị gia - những “kẻ thức thời”, thì đây lại là kỷ nguyên của âm mưu, của những cái đầu lạnh sẵn sàng làm ấm mọi chiến trường không từ thủ đoạn. Để giải thích về thuyết âm mưu, tác giả đã trích lời Jovan Byford, một giảng viên cao cấp người Anh về Tâm lý học, như sau: “Thuyết âm mưu là nơi nương náu của mọi tên độc tài và những kẻ lãnh đạo chuyên quyền trên toàn thế giới”. Về khái niệm chủ nghĩa dân tuý, có nhiều cách hiểu khác nhau, song thực chất đây chính là cụm từ dùng để chỉ những thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân, đánh vào tâm lý, quan điểm của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ quần chúng. Dân túy là khuynh hướng tư tưởng và chính trị nhấn mạnh sự tương phản giữa “nhân dân” với tầng lớp “tinh hoa”, với những biểu hiện dường như “phi chính trị”, bằng sự từ chối giới tinh hoa, từ chối những tư tưởng chính đang ngự trị trong xã hội để nói lên tiếng nói của người dân có vị trí xã hội thấp kém. Dân túy là chính sách của kẻ cơ hội tìm cách để giành được lòng tin của quần chúng và dư luận bằng những lời hứa êm tai nhưng trống rỗng, mang nặng cảm xúc nhất thời, thiếu trách nhiệm đối với tương lai chính trị của đất nước.
Điểm sáng của toàn tác phẩm được đưa vào Chương 3: “Giải phẫu thuyết âm mưu mang lại cho người đọc một cái nhìn đa chiều về “Thuyết âm mưu”. Bergmann đã đặt lên tay độc giả con dao, chiếc dĩa, nhưng không phải để thưởng thức mà là để họ tự mổ xẻ cơn tò mò của chính mình khi từng bước vén màn những học thuyết giả tạo đến mẫu mực. Tác giả đã khai phá nhiều tài liệu nghiên cứu về thuyết âm mưu và định hình những thông tin này để nhận diện trong bối cảnh chính trị dân tuý như: “Thiện và Ác”, “Thực tế hay chứng hoang tưởng bệnh lý”, “Thuyết âm mưu dành cho những kẻ thua cuộc?”,… Tiếp đó, ông đặt các thuyết âm mưu lên bàn cân so sánh tương, rút ra quy luật cho sự lan truyền và phổ biến của những quan điểm này – được ví như “liều thuốc độc dưới lốt quả táo vàng”. Và kết luận về những hậu quả tai hại nhất mà thuyết âm mưu gây ra khi “dắt mũi” dư luận đó là tình trạng hoài nghi về chủ trương, đường lối của nhà cầm quyền; chống đối xã hội; ngược đãi bản thân;…
Như một nhà trinh thám, tác giả náu mình vào bụi cây chết chóc mà những thuyết âm mưu nhọc công vun trồng, chúng như lò đốt, cháy hừng hực thiêu rụi tư tưởng chính trị tiên tiến; tự cô lập, bảo thủ cổ xuý cho đám đông lệch lạc. Eirikur Bergmann tài tình lồng ghép những hậu quả chính trị mà một số quốc gia Châu Âu cũng như Bắc Mỹ gặp phải khi không kịp thời nhìn nhận và xử lý triệt để sự xuất hiện của thuyết âm mưu và dân tuý để đưa ra bài học, là lời cảnh báo về một trong những cái bẫy nguy hiểm nhất của thời đại.
Chủ đề về thuyết âm mưu và chủ nghĩa dân tuý vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, tài liệu khai thác nội dung này còn hạn chế, cuốn sách “Thuyết âm mưu và chủ nghĩa dân tuý: Chính trị học về thông tin sai lệch” sẽ là một tài liệu hay và mang lại nhiều kiến thức mới với những độc giả mong muốn hiểu thêm về các hình thái của chính trị.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!