Chính sách tôn giáo của Mỹ và góc nhìn tham chiếu với Việt Nam

|
Tác giả: TS. Phạm Thanh Hằng
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia Sự thật
Năm xuất bản: 2022
Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 1 – Giá Tôn giáo.
|
Nói đến nước Mỹ, nhiều người sẽ hình dung ngay đến một cường quốc kinh tế với nền khoa học - công nghệ phát triển bậc nhất thế giới, mà rất ít người nghĩ tới tôn giáo của Mỹ. Nhưng sự thật là chúng ta không thể hiểu được nước Mỹ nếu không hiểu về tôn giáo của họ. Đó là những lời đầu tiên chào đón độc giả của TS. Phạm Thanh Hằng trong cuốn sách "Chính sách tôn giáo của Mỹ và góc nhìn tham chiếu với Việt Nam", do nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật in và phát hành năm 2022. Sách gồm ba chương, nghiên cứu và trình bày một cách rõ ràng những vấn đề cơ bản về nền tảng và thực tiễn thi hành chính sách tôn giáo của Mỹ; kèm theo những đánh giá khách quan, toàn diện của tác giả về những giá trị tích cực và hậu quả tiêu cực mà chính sách đem lại cho nước Mỹ. Từ đó phân tích những ảnh hưởng của chính sách tới Việt Nam và làm rõ công tác tôn giáo của Đảng được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII.
Chương mở đầu “Cơ sở hình thành chính sách tôn giáo của Mỹ”, tác giả phân tích lịch sử và tình hình phát triển, bối cảnh hiện thực của vấn đề tôn giáo tại đất nước này. Từ cơ sở thực tiễn hình thành chính sách tôn giáo của Mỹ và những tiền đề về mặt lý luận, tác giả chỉ ra bức tranh tôn giáo Mỹ mang tính đa nguyên, tạo nên sự phức tạp đặc trưng của một nơi được gọi là “hợp chúng quốc”, biến Mỹ trở thành một “thị trường tôn giáo rộng lớn” với rất nhiều trường phái đức tin được du nhập từ mọi vùng đất khác nhau như: Kito giáo, Do Thái giáo, Islam giáo, Phật giáo,... Tất cả các nhóm tôn giáo ấy cùng tồn tại trong hòa hợp và mang tính thống nhất của nền văn hóa trung tâm của cả cộng đồng - văn hóa tín ngưỡng đơn nhất: coi trọng tự do, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực tế. Về mặt lí luận, xây dựng chính sách tôn giáo Mỹ kế thừa học thuyết của các nhà tư tưởng phương Tây như: John Locke, Montesquieu... và đặc biệt dựa trên hai nền tư tưởng chủ đạo đối lập là tách nhà nước khỏi giáo hội để bảo vệ tôn giáo và tách nhà nước khỏi tôn giáo để bảo vệ nhà nước.
Trong chương tiếp theo “Chính sách tôn giáo của Mỹ”, tác giả tiếp cận những vấn đề cơ bản trong chính sách tôn giáo của Mỹ dưới hai khía cạnh: Một là những quy định trong các văn bản pháp luật nhằm giải quyết vấn đề tôn giáo ở Mỹ; Hai là một số vấn đề liên quan đến đối ngoại tôn giáo. Bằng việc luận giải chi tiết các quy định về vấn đề tôn giáo trong Hiến pháp, luật pháp liên bang, luật pháp bang và một số văn bản khác; đồng thời phân tích nhiều vụ án tiêu biểu về thực tiễn tự do tôn giáo để đánh giá công tác hiện thực hóa quy định pháp luật trong thực tế.
Chương cuối sách, tác giả phân tích, đánh giá những thành công và hạn chế trong chính sách tôn giáo của Mỹ dưới các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, đạo đức,... Trong khi chính sách của Mỹ còn đang tồn tại đầy rẫy những mâu thuẫn chưa thể giải quyết, Mỹ vẫn đồng thời thông qua nhiều cách thức khác nhau để tác động, áp đặt vấn đề tôn giáo cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam: Những tác động từ Uỷ ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ thông qua Báo cáo tự do tôn giáo hàng năm, tác động thông qua sự phối hợp hoạt động với các nước phương Tây và các cơ chế khác. Điều này trở nên hết sức vô lý khi đặt trong bối cảnh của thế giới ngày càng đa dạng về niềm tin tôn giáo và quan niệm nhân quyền. Từ sự can thiệp này của Mỹ đòi hỏi chúng ta cần rút ra những quan điểm chiến lược và những bài học kinh nghiệm có giá trị; chủ động đưa ra những phương án thích hợp, tích cực hoàn thiện hệ thống luật pháp tôn giáo để giải quyết tốt hơn vấn đề tôn giáo trong nước và mối quan hệ hợp tác Việt - Mỹ.
Cuốn sách “Chính sách tôn giáo của Mỹ và góc nhìn tham chiếu với Việt Nam” của TS. Phạm Thanh Hằng là một công trình chuyên khảo công phu, được trình bày rõ ràng, khoa học, chắc chắn sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các tín đồ tôn giáo, giảng viên, học viên, sinh viên các trường đại học và bạn đọc quan tâm.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!