Văn minh Trung Hoa

    Tác giả: Lưu Đông

    Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật

    Năm xuất bản: 2022

    Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 01 – Giá Lịch sử

Xuyên suốt dòng chảy lịch sử, Trung Quốc vẫn luôn được coi là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, tạo ra ảnh hưởng sâu sắc đến khía cạnh văn hóa của thế giới nói chung và khu vực châu Á nói riêng. Là cường quốc có diện tích đất đai vô cùng rộng lớn và là nơi chung sống của nhiều cộng đồng dân tộc, Trung Quốc cổ đại đã sớm sở hữu sự đa dạng các bản sắc văn hóa, từ đó xây dựng nên một nền văn minh rực rỡ với nhiều phát minh và công trình vĩ đại mang tầm vóc lịch sử. Để tôn vinh nền văn minh với những ảnh hưởng sâu rộng đến tận ngày nay, tác giả Lưu Đông đã cho ra mắt cuốn sách “Văn minh Trung Hoa”, mang đến một cái nhìn toàn diện nhất về văn hoá Trung Quốc trong suốt tiến trình phát triển của đất nước.  

“Văn minh Trung Hoa” là tác phẩm dài 930 trang, được chia thành 13 chương tương ứng với 13 chủ đề liên quan đến văn hóa Trung Quốc, bao gồm: Tín ngưỡng và triết học, xã hội và giai tầng, đô thị và kiến trúc, thuỷ lợi và giao thông, văn học và nghệ thuật, học thuật và giáo dục, khoa học và công nghệ, y học và ẩm thực dưỡng sinh, nấu nướng và ẩm thực, đồ sứ và đồ dùng yêu thích, binh pháp và trang bị quân sự, cương vực và sản vật, lễ tiết và phong tục dân gian. Ta có thể điểm qua nội dung một số chương tiêu biểu như sau:

Tín ngưỡng và triết học. Nhắc đến phương Đông nói chung hay Trung Quốc nói riêng, sự hình thành và phát triển của các tôn giáo tín ngưỡng và khía cạnh triết học trong đời sống luôn là một chủ đề “màu mỡ” để khai thác đối với các học giả trong lĩnh vực văn hóa. Ở chương 1 này, người đọc sẽ được biết về các thuật phù thủy thời nguyên thủy, sự sùng bái với những con số của người Trung Quốc, tìm hiểu về các hệ thống tư tưởng và tôn giáo chủ yếu của Trung Quốc như: Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo, Âm dương, Ngũ hành, Bát quái, …

Văn học và nghệ thuật. Văn học và nghệ thuật có thể nói là hai lĩnh vực phản ánh tương đối rõ ràng sự phong phú và đa dạng của văn hóa Trung Quốc, với lịch sử lâu đời và nhiều thành tựu quan trọng. Văn học Trung Quốc với các thể loại tiêu biểu như: thơ Đường, tiểu thuyết Tứ đại danh tác, kịch cải lương, tiểu thuyết,…  nhưng mang tính đại diện nhất phải kể đến thi ca trữ tình. Nghệ thuật cũng không kém cạnh khi được khai thác một cách đa dạng với hội họa thủy mặc, âm nhạc dân gian, thư pháp, điêu khắc,…

Đồ sứ và đồ dùng yêu thích. Trong tâm thức của thế giới, dường như “đồ sứ” và Trung Quốc là hai khái niệm không thể tách rời. Thậm chí, từ “china” trong tiếng Anh vừa có ý nghĩa là “Trung Quốc” vừa có ý nghĩa là “sứ”. Việc Trung Quốc phát minh ra đồ sứ là cống hiến vô cùng to lớn và vĩ đại với thế giới, tạo nên sức ảnh hưởng sâu rộng từ cổ đại cho đến hiện đại không ai có thể phủ nhận. Ở chương thứ 10, tác giả sẽ đem đến cho người đọc những nội dung nổi bật nhất về sứ Trung Hoa, bên cạnh đó còn là kiến thức về những đồ dùng trang trí khác nổi bật như đồ đồng đen và đồ ngọc.

Binh pháp và trang bị quân sự. Trong chương này, tác giả mô tả quân sự Trung Quốc ở từng khía cạnh như văn học, sách lược hay chiến thuật. Chủ đề binh pháp có phân tích binh thư, tên gọi chung của các tác phẩm về lý luận và thực tiễn quân sự, phản ánh kinh nghiệm và tư duy chiến lược của các nhà quân sự Trung Quốc. Nội dung chương sách còn nói về niềm tự hào của quân sự Trung Hoa, khi là một trong những nước có nền vũ khí lâu đời và phong phú nhất thế giới, từ các loại vũ khí cổ như: kiếm, đao, cung, nỏ, giáo, … đến các loại vũ khí hiện đại như: súng, đạn, pháo, tên lửa, bom, … Và không thể không nhắc đến “Mười tám ban võ nghệ” – khái niệm dùng để chỉ các môn võ nghệ thời cổ đại, đặc biệt chỉ 18 loại binh khí.

Lễ tết và phong tục dân gian. Chương này đề cập đến những phong tục hôn nhân, tang lễ và lễ tiết, một nội dung gần gũi với người đọc hơn cả.  Phong tục lễ tiết của Trung Quốc là những hoạt động quan trọng được tính theo năm âm lịch như: Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, Tết Hàn Thực, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu, Tết Hạ Nguyên,… Những ngày lễ lớn của Trung Quốc hầu hết đều mang ý nghĩa thể hiện sự gắn kết của gia đình và cộng đồng, cũng như sự tôn sùng và biết ơn các vị thần, tổ tiên và thiên nhiên. Bên cạnh nội dung về một số phong tục lễ tiết nổi bật, cuốn sách còn viết về những điều cần tránh, kiêng kỵ trong những ngày Lễ, Tiết của Trung Quốc.

Lật giở từng trang sách, ta như được đi du hành trên cỗ máy thời gian về Trung Hoa cổ đại, được trải nghiệm và hiểu sâu thêm về một nền văn minh lớn của nhân loại. Văn hóa Trung Quốc chứa đựng vô vàn những ẩn số, và tác phẩm Văn minh Trung Hoa” sẽ phần nào giúp người đọc giải đáp, biết thêm những kiến thức giá trị về vùng đất Á Đông này.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!