Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại

 

 

 

    Tác giả: Trần Thị Minh Thi chủ biên, Nguyễn Hà Đông,…

    Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

    Năm xuất bản: 2021

    Địa chỉ: Phòng đọc 1 - Giá Xã hội.

Xã hội Việt Nam, đặc biệt là gia đình Việt đang trải qua giai đoạn giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Gia đình là nơi truyền dạy cho trẻ em những chuẩn mực giá trị, nuôi dưỡng tình yêu và đức hy sinh, xây dựng cho xã hội giá trị văn hoá, kinh tế, giáo dục,… Cuốn sách Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại của tập thể tác giả do PGS.TS Trần Thị Minh Thi chủ biên phân tích đặc điểm cơ bản về ý nghĩa của hôn nhân và gia đình; đóng góp bằng chứng khoa học trong xây dựng cơ sở lý luận để gia đình Việt Nam hạnh phúc và bền vững. Sách gồm 529 trang, chia thành 8 chương.

Mở đầu cuốn sách, nhóm tác giả trình bày khái niệm và phương pháp nghiên cứu; bối cảnh kinh tế, văn hoá, xã hội Việt Nam. Theo pháp luật Việt Nam, gia đình là “tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau”, những tiếp cận lý thuyết và khảo sát đã cho thấy giá trị của gia đình. Giá trị của gia đình ở mỗi quốc gia trên thế giới có sự khác nhau do truyền thống, quan niệm giới, tâm lý tình cảm. Ở Việt Nam, giá trị của gia đình từ thời phong kiến đến nay cũng có nhiều thay đổi do luật pháp và chính sách, bối cảnh kinh tế, văn hoá.

Theo đó, các “giá trị về hình thành hôn nhân và gia đình” được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trong đó càng giá trị nhỏ mức độ ưu tiên càng cao như gia đình, sức khỏe, việc làm,... tùy vào mỗi lứa tuổi sẽ có mức độ ưu tiên khác nhau nhưng không ngoại trừ các giá trị trên. Tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời trước đây hướng vào các phẩm chất đạo đức nhưng hiện nay tình yêu là yếu tố quan trọng nhất và có những tiêu chí khác như độ tuổi, thu nhập, ngoại hình,... các giá trị cá nhân được đề cao. Mức  độ chấp nhận với các hiện tượng hôn nhân, gia đình mới được nhìn nhận cởi mở. Việc kết hôn đồng giới, chung sống không kết hôn, phụ nữ không lấy chồng nhưng có con được chấp nhận, đăng ký kết hôn quan trọng hơn đám cưới.

Chương 4 “giá trị đạo đức, tâm lý, tình cảm của gia đình” được các tác giả phân tích dưới các góc độ: chung thuỷ, tình yêu, bình đẳng, chia sẻ, hoà hợp tình dục,… Tình yêu và bình đẳng trong hôn nhân được xã hội hiện đại đề cao, hoà hợp tình dục là một yếu tố quan trọng; quan hệ tình dục trước hôn nhân không còn được đánh giá nặng nề, nó được coi là một cách để thể hiện tình yêu. Mức độ hiện đại hoá càng cao, giá trị chia sẻ và trân trọng càng rõ; hôn nhân bền vững khi người trong cuộc cảm thấy hạnh phúc và được thoả mãn cả vật chất, tinh thần.

Các chương tiếp theo viết về giá trị của con cái, các mối quan hệ trong và ngoài gia đình, giá trị kinh tế của gia đình. Con cái là tài sản vô giá với cá nhân và gắn kết hôn nhân, tuy không hoàn toàn quyết định cuộc hôn nhân nhưng có giá trị tâm lý, tình cảm không thể cân đong đo đếm, đồng thời không có sự khác biệt giữa nam và nữ bất chấp là trình độ hay mức sống. Trong gia đình, sự hài lòng giữa bố mẹ với con cái; với cha mẹ hai bên; sự chăm sóc hỗ trợ về tình cảm, vật chất cần diễn ra thường xuyên. Ở xã hội cũ mối quan hệ dòng họ được ưu tiên hàng đầu, tiếp sau là mối quan hệ làng xóm nhưng hiện nay tính cộng đồng lại giảm sút, mối quan hệ họ hàng, làng xóm bị co hẹp. Nguồn thu nhập của mỗi gia đình rất đa dạng, cao dần theo tầng xã hội, tài sản và sự giàu có đôi khi là yếu tố quyết định trên cả mức độ tình cảm. Công việc với mỗi cá nhân là rất quan trọng bởi nó đảm bảo nguồn lực kinh tế cho gia đình.

Chương cuối là những kết luận, khuyến nghị về các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại. Khái quát nội dung các chương, nêu lên những chính sách cần có để thay đổi giá trị của gia đình sao cho phù hợp với xã hội hiện nay. Những chính sách đó là: thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế gia đình, cải thiện hệ thống an sinh xã hội, thay đổi cách thức giáo dục con cái, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới nhằm giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp, hình thành dư luận xã hội cho những giá trị hiện đại.

Cuốn sách Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại là sự lựa chọn tốt đối với mỗi độc giả khi muốn tìm hiểu về gia đình Việt. Nó là một công trình nghiên cứu mang tính xã hội và nhân văn với những bài khảo sát, thống kê có giá trị thực tiễn cao, đánh giá được tổng thể về gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!