Thiên nga đen - Xác suất cực nhỏ, tác động cực lớn

 

Description: Thiên Nga Đen - Xác Suất Cực Nhỏ, Tác Động Cực Lớn (Bản cập nhật mới nhất)

 

 

   Tác giả: Nasim Nicholas Taleb

   Nhà xuất bản: Thế giới

   Năm xuất bản: 2018

   Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 1, Giá Tâm lý học.

Trước khi khám phá ra thiên nga đen tồn tại trên đời (ở Úc), người ta vẫn tin rằng tất cả chim thiên nga đều có bộ lông màu trắng. Phát hiện bất ngờ và thú vị này đã làm thay đổi toàn bộ thế giới quan của nhân loại về loài thiên nga. Nasim Nicholas Taleb - giáo sư ưu tú chuyên về quản trị rủi ro tại Viện Kỹ thuật Bách Khoa, Đại học New York, chuyên gia hàng đầu về chống khủng hoảng kinh tế, đã dựa vào sự kiện trên để đưa ra khái niệm "thiên nga đen" - hiện tượng mà chúng ta cho là không thể xảy ra, nhưng cuối cùng lại diễn ra và dẫn đến việc chúng ta phải xác định lại hiểu biết của mình về thế giới. Để giúp bạn hình dung đầy đủ về một đề tài khá thú vị, Nasim Taleb đã viết cuốn sách:Thiên nga đen - Xác suất cực nhỏ, tác động cực lớn”. Kể từ lần đầu xuất bản năm 2007, cuốn sách đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, nhưng theo thời gian, quan điểm của tác giả đã được kiểm chứng.

Cuốn sách giúp bạn khám phá:

* Hiện tượng “thiên nga đen”, là biến cố tưởng như không thể xảy ra, gồm ba đặc điểm chính: không thể dự đoán, có tác động nặng nề và sau khi xảy ra, người ta dựng lên một lời giải thích để khiến nó ít ngẫu nhiên hơn, dễ dự đoán hơn so với bản chất thật của nó. Thành công đáng kinh ngạc của Facebook, việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, các vụ sụp đổ thị trường chứng khoán, vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ,... tất cả những sự kiện này đều là “thiên nga đen”, chúng ẩn hiện trong mọi mặt cuộc sống với những tác động khôn lường, theo cả hướng tiêu cực và tích cực.

* Những sai lầm về nhận thức và các hạn chế trong việc đưa ra các dự đoán.

“Thiên nga đen” giúp ta nhìn nhận sâu sắc về những hạn chế mà con người gặp phải trong việc đưa ra các dự đoán. Do quá tin tưởng vào trực giác và cả cơ chế sinh học trong mỗi người đã khiến ta đưa ra những quyết định sai lầm, đôi khi dẫn đến hiện tượng "thiên nga đen". Con người rất dễ bị lừa dối bởi những lí luận logic cơ bản nhất và quá tự tin vào những gì đã biết mà bỏ qua những thứ mình chưa biết. Bởi vậy, chúng ta không thể đánh giá được các cơ hội và hình dung được “những cái không thể”. Việc tiến hành điều tra về những gì mình không biết sẽ giúp bạn đánh giá rủi ro tốt hơn và đưa ra được những lựa chọn tốt hơn. Tác giả dẫn chứng từ các nhà Nobel kinh tế gạo cội đến các vị CEO nổi tiếng hay các chuyên gia tài chính và thị trường chứng khoán (xuyên suốt các chương 1 đến 11). Ông cho rằng họ đáng lẽ phải biết xấu hổ khi phần lớn kết cục những dự báo họ đưa ra không khác biệt nhiều so với một người không chuyên tập đoán mò. Taleb đi vào mọi lĩnh vực để thức tỉnh những người vẫn còn tin rằng thế giới chỉ có “thiên nga trắng” cho đến khi họ bị sốc bởi một con “thiên nga đen”.

Mức độ nghiêm trọng hoặc bất ngờ của các hiện tượng thiên nga đen còn phụ thuộc vào người quan sát. Tác giả lấy ví dụ về con gà tây (chương 4), mỗi ngày được cho ăn sẽ giúp con gà tin rằng quy luật của cuộc đời nó là sẽ mãi được cho ăn bởi những con người thân thiện, nhưng rồi vào một buổi chiều trước Lễ Tạ ơn, điều bất ngờ đã xảy đến. Trong trường hợp này, thiên nga đen là một hiện tượng bất ngờ đối với con gà tây nhưng lại chẳng có gì bất ngờ đối với người mổ thịt. Luôn có những chiếc bẫy được giăng sẵn và Nasim Taleb sẽ đưa ra những gợi mở giúp bạn có thể rút ra bài học từ việc quan sát, làm sao để có thể chỉ ra thuộc tính của những thứ chưa biết dựa vào những thứ đã biết?

* Sự ngẫu nhiên, tính bất định của hiện tượng “thiên nga đen” và đường cong hình chuông Gauss.

Đường cong hình chuông hay phân phối chuẩn là một dạng phân phối sử dụng trong toán thống kê, phản ánh giá trị và mức độ phân bố của các dữ liệu đang nghiên cứu. Thế giới tự nhiên, cũng như nhiều quy luật kinh tế xã hội tuân theo luật phân phối chuẩn này. Tuy nhiên, tác giả chỉ ra sự bất lực của đường cong hình chuông Gauss trong việc dự đoán các “thiên nga đen”. Phương pháp nhìn nhận thế giới theo kiểu truyền thống của Gauss là bắt đầu bằng việc tập trung vào những thứ bình thường, sau đó mới đến các trường hợp ngoại lệ hoặc những cái gọi là yếu tố ngoại lai. Trong khi đó, hiện tượng “thiên nga đen” có đặc tính bất định và ngẫu nhiên, không tuân theo một mô hình lí thuyết nào, đặc biệt là ở thế giới hiện đại, nơi thông tin di chuyển với tốc độ chóng mặt. Cuốn sách khuyến khích người đọc tự xây dựng cho mình những mô hình mạnh mẽ, tránh bị tổn thương bởi các sự kiện bất ngờ.

Lời khuyên của tác giả dành cho bạn là gì?

Nếu bạn muốn đưa ra những dự đoán có ý nghĩa về tương lai, nếu bạn đang có ý định mua bảo hiểm, mua nhà, đầu tư, học đại học, thay đổi công việc, tiến hành nghiên cứu hay đơn giản là tìm hiểu chính bản thân, hãy nhìn nhận mọi việc khách quan, đừng bao giờ nghĩ rằng bạn đã biết tất cả mọi điều, dù người ta có đánh giá bạn cao đến đâu đi nữa,… Đây là cuốn sách hay dành cho bất cứ ai quan tâm đến sự ngẫu nhiên, làm công việc phân tích xu hướng hay đang học cách giảm thiểu rủi ro trong cuộc sống.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!