Bảo vệ quyền con người của trẻ em bằng pháp luật hình sự Việt Nam

 

 

 

   Tác giả: TS. Vũ Thị Phượng

   Năm xuất bản: 2020

   Nhà xuất bản: Công an nhân dân

   Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 - Giá số 18;

                              Phòng mượn 2 - Giá số 10.

Trẻ em là đối tượng cần được quan tâm, ưu tiên bảo vệ trong xã hội. Vấn đề bảo vệ quyền con người của trẻ em luôn được coi là một trong những chính sách hàng đầu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cuốn sách “Bảo vệ quyền con người của trẻ em bằng pháp luật hình sự Việt Nam” của TS. Vũ Thị Phượng phân tích các quy định pháp luật hình sự hiện hành và thực tiễn áp dụng pháp luật về bảo vệ quyền con người của trẻ em tại Việt Nam đồng thời đưa ra các yêu cầu, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động này.

Mở đầu cuốn sách, tác giả trình bày khái niệm, sự cần thiết và phương thức bảo vệ quyền con người của trẻ em bằng pháp luật hình sự. Theo ông, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nên quyền con người của trẻ em cũng dễ bị xâm phạm, do đó cần được bảo vệ bởi hệ thống các quy phạm pháp luật khác nhau. Ba phương thức bảo vệ quyền con người của trẻ em bao gồm: Tội phạm hoá và đe doạ trừng phạt những hành vi xâm phạm quyền con người dễ bị tổn thương của trẻ em; quy định những vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự và biện pháp xử lý thể hiện quyền ưu tiên tư pháp của người phạm tội là trẻ em; phi tội phạm hoá những hành vi cấu thành tội phạm hạn chế quyền con người của trẻ em. Ngoài ra, tác giả đưa ra chính sách, chuẩn mực quốc tế và pháp luật hình sự một số quốc gia trên thế giới về việc bảo vệ quyền con người của trẻ em.

Chương tiếp theo, tác giả khái quát lịch sử quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về bảo vệ quyền con người của trẻ em qua các giai đoạn: Từ năm 1945 đến trước khi Bộ luật Hình sự năm 1985 có hiệu lực; từ khi Bộ luật Hình sự năm 1985 có hiệu lực đến trước khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành. Từ thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự trong bảo vệ quyền con người của trẻ em ở Việt Nam, tác giả phân tích những hạn chế trong quá trình áp dụng và chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế đó, bao gồm nguyên nhân từ hạn chế của pháp luật, tổ chức hệ thống tư pháp trẻ em, hạn chế trong thủ tục tố tụng hình sự đối với các vụ án trẻ em là đối tượng tác động của tội phạm, trong nhận thức của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong tố giác tội phạm xâm phạm quyền con người của trẻ em.

Chương cuối sách là những yêu cầu và giải pháp tăng cường bảo vệ quyền con người của trẻ em bằng pháp luật hình sự ở Việt Nam. Theo tác giả, việc bảo vệ quyền con người của trẻ em Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ việc bảo vệ trẻ em phải đảm bảo sự phát triển bền vững tương lai của trẻ em nên các quy định của pháp luật cần xuất phát từ thực tiễn, hệ thống các nguyên tắc và biện pháp xử lý trẻ em phạm tội theo hướng lấy mục đích giáo dục là chính. Bên cạnh việc xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp xâm phạm quyền con người của trẻ em, cần tăng cường các biện pháp phòng chống tội xâm phạm quyền con người của trẻ em trong đời sống thực và không gian mạng; việc hội nhập quốc tế cần đảm bảo tính phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta.

Các giải pháp tăng cường bảo vệ quyền con người của trẻ em bao gồm: Hoàn thiện pháp luật hình sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến bảo vệ quyền con người của trẻ em. Bên cạnh các Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm và thúc đẩy các hoạt động xây dựng các thiết chế nhà nước nhằm phát huy tối đa khả năng bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em chịu sự tác động của tội phạm nói riêng. Trong đó, việc thí điểm xây dựng 50 Toà án gia đình và người chưa thành niên bước đầu đã có hiệu quả tích cực, tạo một thiết chế đặc biệt dành riêng cho việc xét xử các vụ án liên quan đến người chưa thành niên trong đó có trẻ em. Ngoài ra, tác giả cũng trình bày các giải pháp khác: Tăng cường sức mạnh của các thiết chế tư pháp và nâng cao vai trò của người tiến hành tố tụng; hợp tác với tổ chức quốc tế trong xây dựng dữ liệu quốc gia về đối tượng bị xử lý hành chính, hình sự về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, bắt cóc, buôn bán trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và sự tham gia của các thiết chế xã hội vào việc phòng ngừa xâm phạm quyền con người của trẻ em.

Sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho độc giả nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành tư pháp hình sự, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và các bạn đọc quan tâm.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!