
|
Tác giả: TS. Ngô Quỳnh Hoa
Nhà xuất bản: Tư Pháp
Năm xuất bản: 2024
Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 - Giá Lí luận
|
Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, giáo dục pháp luật giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng để nâng cao ý thức pháp luật cho toàn xã hội. Nhận thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác giáo dục pháp luật, đặt ngang hàng với hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc triển khai giáo dục pháp luật cho người lao động vẫn còn nhiều bất cập, chịu tác động từ nhiều yếu tố như đặc điểm nghề nghiệp, loại hình doanh nghiệp, trình độ học vấn, điều kiện kinh tế - xã hội... Cuốn sách "Giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay" của TS. Ngô Quỳnh Hoa cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện và đa chiều về vấn đề này.
Cuốn sách gồm ba chương, được trình bày logic, chặt chẽ, vừa mang tính học thuật vừa gắn bó mật thiết với thực tiễn đời sống pháp luật hiện nay.
Chương 1 phân tích các khái niệm cốt lõi như "người lao động", "giáo dục pháp luật", đặc điểm của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, cũng như vai trò và mục đích của giáo dục pháp luật trong bối cảnh hội nhập. Các yếu tố tác động như môi trường kinh tế - xã hội, chính sách pháp luật, vai trò của các chủ thể giáo dục pháp luật cũng được đề cập một cách hệ thống. Tác giả khẳng định rằng, tiếp cận giáo dục pháp luật hiện nay cần dựa trên quyền con người, đảm bảo sự phù hợp về nội dung, phương pháp, hình thức đối với từng nhóm người lao động cụ thể.
Chương 2 cung cấp cái nhìn thực tiễn, khách quan về việc nhận thức, hiểu biết và thực hành pháp luật của người lao động, đồng thời đánh giá rõ mức độ hiệu quả của các hoạt động giáo dục pháp luật hiện hành. Qua khảo sát và tổng hợp, tác giả chỉ ra những tồn tại, như việc triển khai còn hình thức, thiếu tính đồng bộ; sự hạn chế trong năng lực của đội ngũ thực hiện; hình thức tuyên truyền pháp luật chưa phong phú; và đặc biệt là sự thiếu chủ động, tự giác từ chính người lao động trong việc học tập pháp luật.
Chương 3 trình bày giải pháp thiết thực: từ việc xác định rõ mục tiêu giáo dục pháp luật, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin, đến xã hội hóa công tác này thông qua sự phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và các cá nhân có liên quan. Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh vai trò của công nghệ số và chuyển đổi số trong nâng cao hiệu quả truyền thông pháp luật, phù hợp với xu hướng hiện đại.
Ngoài ra, cuốn sách còn đưa ra một số kinh nghiệm quốc tế về giáo dục pháp luật trong doanh nghiệp, từ đó rút ra những bài học phù hợp với bối cảnh Việt Nam, góp phần định hướng chính sách và xây dựng mô hình giáo dục pháp luật hiệu quả, bền vững.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cũng như bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực lao động – pháp luật. Đây cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình hoạch định chính sách, tổ chức triển khai giáo dục pháp luật trong doanh nghiệp, từ đó góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!