Hợp đồng vay tài sản và họ, hụi, biêu, phường theo pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành
.jpg)
|
Tác giả: TS. Lê Thị Giang (chủ biên), Nguyễn Thị Hợi,…
Nhà xuất bản: Tư Pháp
Năm xuất bản: 2022
Vị trí sách: Phòng đọc 1 – Giá Luật Dân sự.
|
Hợp đồng vay tài sản và họ, hụi, biêu, phường là các tên gọi khác nhau của một hình thức giao dịch về tài sản, tồn tại từ lâu và khá phổ biến ở nước ta. Ở miền Bắc thường gọi là họ, ở miền Nam gọi là hụi, còn miền Trung thì hay gọi là biêu, là phường. Đó là hình thức mọi người thường sử dụng để giải quyết các vấn đề khó khăn về vốn trong sinh hoạt và sản xuất. Khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh được mở rộng kéo theo nhu cầu về vốn của các chủ thể trong xã hội tăng, các hợp đồng vay tài sản và các dây họ được xác lập ngày càng nhiều với giá trị giao dịch lớn, từ đó dẫn đến các tranh chấp liên quan đến loại hình giao dịch này ngày càng tăng lên và phức tạp hơn. Hiện nay, vấn đề lợi dụng việc cho vay và tổ chức dây họ nhằm thực hiện các hoạt động tín dụng bất hợp pháp ngày càng tăng, gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng đến đời sống xã hội.
Để giải quyết các vấn đề có liên quan tới hợp đồng vay tài sản và hụi, họ, biêu, phường, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có các quy định và khung pháp lý cụ thể. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn một số bất cập, hạn chế khiến những tranh chấp thực tiễn liên quan đến hợp đồng vay tài sản và họ, hụi, biêu, phường chưa được giải quyết thỏa đáng, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tiền tệ. Cuốn sách chuyên khảo “Hợp đồng vay tài sản và họ, hụi, biêu, phường theo pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành” được nhóm tác giả biên soạn, nghiên cứu nhằm phân tích các quy định của pháp luật cũng như đưa ra ý kiến riêng của các tác giả giúp bạn đọc tham khảo, nắm rõ hơn về vấn đề vay tài sản,...
Cuốn sách được chia làm 2 phần: Phần I - Hợp đồng vay tài sản; phần II - Họ, hụi, biêu, phường.
Trong phần I, nhóm tác giả trình bày những vấn đề lý luận về hợp đồng vay tài sản bao gồm: khái niệm, đặc điểm, phân loại hợp đồng vay tài sản. Giới thiệu quy định của pháp luật một số quốc gia trên thế giới về hợp đồng vay tài sản cũng như lược sử qua về pháp luật Việt Nam đối với loại hợp đồng này. Tác giả cũng đánh giá thực trạng pháp luật về hợp đồng vay tài sản để làm rõ các vấn đề: đối tượng, hình thức của hợp đồng vay tài sản; thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vay; sử dụng tài sản vay; lãi suất và lãi trong hợp đồng vay tài sản; thực hiện hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong hợp đồng vay tài sản; thực tiễn áp dụng và định hướng hoàn thiện pháp luật về hợp đồng vay tài sản.
Đến với phần II, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về các khái niệm, đặc điểm, phân loại họ, hụi, biêu, phường và lịch sử pháp luật Việt Nam qua từng thời kỳ cụ thể về loại giao dịch này. Nhóm tác giả hướng dẫn cách phân biệt hợp đồng vay tài sản với họ, hụi, biêu, phường; nguyên tắc tổ chức họ; các loại họ; quyền, nghĩa vụ của thành viên cũng như chủ họ; thứ tự lĩnh họ; lãi suất và trách nhiệm pháp lý của chủ họ và các thành viên. Chương cuối sách, tác giả phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về nguyên tắc tổ chức họ, chủ thể tham gia dây họ, hình thức của dây họ, lãi suất và việc gia nhập dây họ. Từ đó nêu hạn chế và đề xuất hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Với cách trình bày ngắn gọn, đầy đủ và dễ hiểu, sách là nguồn tài liệu hữu ích phục vụ cho việc nghiên cứu học tập cũng như công tác hoàn thiện pháp luật của nước ta trong thời gian tới.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!