.jpg)
|
Tác giả: Fukuzawa Yukichi.
Nhà xuất bản: NXB Thế giới.
Năm xuất bản: 2022.
Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 1 - Giá Văn hoá giáo dục.
|
Ethel Churchill nhận định: “Sự ngu dốt, hơn hẳn cả sự ở không, mới là mẹ của tất cả các thói xấu. Ðịnh mệnh của các thế hệ tương lai nằm ở trong nền giáo dục khôn ngoan, một nền giáo dục cần phải phổ cập để có thể có ích lợi”. Cùng chứa đựng tư tưởng này, cuốn sách “Khuyến học” của tác giả Fukuzawa Yukichi đề cập đến tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn.
Fukuzawa Yukichi là “bậc khai quốc thần công” trong lòng người Nhật, nhà tư tưởng lớn đối với xã hội Nhật Bản; ông cũng là người đem lại linh hồn, động lực và sự hậu thuẫn tinh thần cho công cuộc Duy tân của chính phủ Minh Trị. "Khuyến học" được Fukuzawa Yukichi viết trong thời gian 1872-1876. Đây không phải là tác phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của ông, nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng, trở nên phổ biến ngay từ lần đầu ra mắt với 3,4 triệu bản; từ đó đến nay, sách liên tục được tái bản và xem như cuốn sách gối đầu giường của người dân Nhật Bản.
Sách gồm 17 phần, bàn về các khía cạnh khác nhau xung quanh việc học tập, về sự bình đẳng, quyền con người, trách nhiệm của người dân và chính phủ, về lòng quả cảm và chí khí độc lập trong một quốc gia pháp trị. Tuyên ngôn "Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người" của tác giả đã thức tỉnh tinh thần, lay chuyển tâm lý của đa số người dân Nhật Bản dưới thời Minh Trị. Ông khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn. Kể từ khi tạo hoá làm ra con người thì tất cả đều bình đẳng, mọi người đều có tư cách, có địa vị như nhau, không phân biệt đẳng cấp trên dưới, giàu nghèo. Vì vậy, con người nếu chịu khó học, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người quan trọng, sống sung túc; người vô học sẽ trở thành con người thấp kém, nghèo khổ.
Về học vấn, Fukuzawa Yukichi phê phán lối học "từ chương" và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên "thực học". Đó là cần học những môn thực dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, tự trang bị kiến thức và kĩ năng; học như vậy mới có ích cho cuộc sống và thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Học vấn chân chính giúp ta “nói lên chính kiến và thực hiện đầy đủ bổn phận với đất nước”, “hiểu trách nhiện của bản thân” và “học để hiểu thế nào là làm tròn công việc của mình”. Mỗi cá nhân có độc lập thì gia đình mới độc lập và như thế quốc gia cũng độc lập. Về trách nhiệm của nhân dân và Chính phủ trong quốc gia pháp trị, Chính phủ là người đại diện cho nhân dân, làm theo ý nguyện của dân. Nhân dân và Chính phủ phối hợp với nhau để cùng xây dựng đất nước; trách nhiệm của nhân dân là tuân thủ pháp luật; trách nhiệm của Chính phủ là bảo vệ trật tự trị an, trấn áp, bắt giữ kẻ có tội, bảo vệ người vô tội.
Ở phần IX, tác giả nói về “mục đích của học vấn” trên hai khía cạnh. Một là, mỗi con người sống trong xã hội thì bản thân là một thành viên của xã hội và phải có nghĩa vụ với xã hội, ngay cả học vấn, kỹ thuật, chính trị, luật pháp,… không có cái nào là không cần vì xã hội. Hai là, để trở thành người dẫn đường chỉ lối, để đưa tinh thần của mọi người trong xã hội lên tầm cao hơn thì trên hết, con người phải cố gắng phấn đấu trong sự nghiệp học tập, không nên mãn nguyện khi đã ổn định cuộc sống riêng của bản thân và gia đình mình.
Trong phần X và XV, Fukuzawa Yukichi làm toát lên tinh thần học hỏi có chọn lọc những cái hay từ các nước phương Tây của người Nhật đó là “học tập phương Tây nhưng không được quá sùng bái” và không tin tưởng mù quáng; chân lý sinh ra từ sự hoài nghi sẽ trở nên mất phương hướng. Ông khẳng định: “Học hỏi văn minh phương Tây là điều tốt. Nhưng thà suốt đời không tin còn hơn là việc tin tưởng thiếu phê phán”.
Với độc giả Việt Nam hiện nay, nhiều tư tưởng của Fukuzawa Yukichi trong “Khuyến học” có lẽ không còn là điều mới mẻ gây chấn động lòng người như đối với người dân Nhật Bản ở thời Minh Trị. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của ông vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự đối với những quốc gia đang trên con đường hiện đại hóa. Ngoài ra, cuốn "cẩm nang" của người Nhật này cũng sẽ giúp độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn những đặc điểm về tính cách và tinh thần của người Nhật Bản hiện đại, những người từ thân phận nông nô "ăn nhờ ở đậu", nhờ có sự khai sáng của những con người như Fukuzawa Yukichi mà đã trở thành "quốc dân" của một đất nước Nhật Bản hiện đại và văn minh ngày nay.
Có thể nói, sách như kim chỉ nam cho nhận thức, tư tưởng từ đó thay đổi hành động của người dân Nhật Bản nói riêng và độc giả nói chung để có được cách nhìn nhận, thái độ đúng đắn đối với việc học cũng như nhiều vấn đề khác của cuộc sống.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!