Bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa ở Việt Nam

 

         

 

         Tác giả: Phạm Thị Thúy Nga (chủ biên), Trần Thị Thuý Lâm,…

         Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

         Năm xuất bản: 2021

         Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 - Giá: Luật Lao động.

 

Di cư nội địa là hiện tượng đã và đang diễn ra phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Di cư gây ra nhiều hệ lụy cần giải quyết, đặc biệt là các vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự. Ở Việt Nam, mặc dù Đảng và Nhà nước luôn quan tâm bảo vệ quyền lợi người lao động, trong đó có quyền của người lao động di cư nội địa nhưng thực tế vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Nhằm đem đến cho độc giả cái nhìn tổng quan về các vấn đề pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành cuốn sách “Bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa ở Việt Nam”.

 Mở đầu cuốn sách, các tác giả trình bày cơ sở lý luận về lao động di cư nội địa; quyền của lao động di cư nội địa; bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa. Bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa bao gồm hệ thống các công cụ, yếu tố pháp lý, tổ chức bộ máy thực hiện và triển khai các cơ chế bảo vệ trên quy mô toàn xã hội. Để đảm bảo thực hiện tốt cần sự phối hợp đồng bộ, kiểm soát lẫn nhau giữa hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ngoài ra còn có hệ thống các tổ chức đồng hành, hỗ trợ người lao động thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, nhóm tác giả nghiên cứu vấn đề bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa tại một số nước trên thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu - EU, từ đó rút ra một số bài học và gợi mở cho Việt Nam trong thời gian tới.

Phần tiếp theo là những đánh giá về thực trạng bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa ở nước ta gồm: thực trạng ghi nhận quyền, bộ máy bảo đảm và cơ chế bảo vệ quyền của lao động di cư nội địa. Hiến pháp Việt Nam đảm bảo người lao động di cư có đầy đủ các quyền như bất kỳ công dân nào, đặc biệt là quyền an sinh xã hội, đảm bảo điều kiện sống, làm việc an toàn, không bị phân biệt đối xử trên thị trường lao động, bình đẳng nam nữ,... Mặc dù quyền lợi của họ được pháp luật bảo đảm thực hiện nhưng thực tiễn còn gặp nhiều trở ngại. Tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp vẫn diễn ra tình trạng người sử dụng lao động vi phạm quy định pháp luật về điều kiện lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi. Về phía người lao động di cư, nhiều người chưa hiểu biết hoặc chưa nắm rõ về quyền lợi và cách thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, bệnh tật, góa bụa, tuổi già. Tại nơi cư trú, vấn đề hộ khẩu khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục,…

Từ những nghiên cứu lý luận và thực tiễn trên, các tác giả đưa ra một số phương hướng, giải pháp hoàn thiện bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa ở Việt Nam hiện nay. Về hướng hoàn thiện, cần quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước về quyền con người, quyền của lao động di cư nội địa, thích ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Về giải pháp, cần hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy bảo đảm và cơ chế bảo vệ quyền của lao động di cư nội địa. Trong đó, cần chú trọng sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về quản lý các dự án quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, lãnh thổ; quan tâm và đưa người lao động di cư nội địa vào các chiến lược xoá đói, giảm nghèo, sửa đổi các quy định về bảo hiểm xã hội; đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và hệ thống cơ quan thực thi quyền của lao động di cư nội địa,…

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!