Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới tác động của cách mạng công nghệ 4.0: Những vấn đề pháp lý cơ bản

     Tác giả: TS. Phan Chí Hiếu; TS. Nguyễn Văn Cương

     Nhà xuất bản: Tư Pháp

     Năm xuất bản: 2023

     Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2

Cuốn sách "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới tác động của cách mạng công nghệ 4.0: Những vấn đề pháp lý cơ bản" là một tài liệu chuyên sâu, góp phần làm sáng tỏ các khía cạnh pháp lý cần thiết trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hiện đại. Được biên soạn bởi những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế và luật học, cuốn sách không chỉ dừng lại ở việc phân tích xu hướng kinh tế thế giới mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về những thách thức và cơ hội mà cách mạng công nghệ 4.0 mang lại cho nền kinh tế Việt Nam.

Với cấu trúc logic, sách gồm nhiều chương đi từ cơ sở lý thuyết đến thực tiễn áp dụng, phần đầu của sách giới thiệu tổng quan về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa ra những định nghĩa cơ bản và ý nghĩa của mô hình này trong bối cảnh hiện nay. Từ đó, các tác giả phân tích sâu về cách mạng công nghệ 4.0 và tác động của nó đến sự phát triển kinh tế và thể chế tại Việt Nam.

Về cơ sở lý luận, cuốn sách khẳng định rằng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một mô hình kinh tế tổng quát, hoạt động theo các quy luật của kinh tế thị trường nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh và chi phối bởi các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội. Điều này được xác định từ những văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhấn mạnh việc phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội. Tác giả cũng đề cập đến các đặc trưng cơ bản của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bao gồm vai trò của kinh tế nhà nước, sự đa dạng hóa trong sở hữu tài sản và sự cần thiết phải cải cách hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.

Về thực tiễn, cuốn sách đưa ra sự nhận diện các vấn đề trong việc thực hiện thể chế kinh tế hiện hành, bao gồm các khoảng trống pháp lý mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra. Các tác giả đã khảo sát tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam và chỉ ra rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã tạo ra những hiện tượng kinh tế mới, như tài sản mã hóa và nền kinh tế chia sẻ, đòi hỏi phải có khung pháp lý điều chỉnh hợp lý và kịp thời. Cuốn sách cũng nêu các giải pháp cụ thể liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật cần được hoàn thiện như Luật Dân sự, luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và thương mại điện tử, nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nền kinh tế số.

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, các tác giả nêu ra sự cần thiết phải rà soát và đổi mới hệ thống pháp luật để phù hợp với thực tiễn kinh tế ngày càng phát triển và thay đổi, đề xuất chính sách điều chỉnh linh hoạt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoài ra, tác giả cũng như đưa ra các khuyến nghị về việc hoàn thiện quản lý nhà nước nhằm đảm bảo tránh những bất cập và rủi ro trong quá trình phát triển. Sách là tài liệu hữu ích cho cán bộ, công chức, giảng viên, sinh viên luật và bạn đọc muốn tìm hiểu về mối quan hệ giữa kinh tế, pháp luật và công nghệ trong bối cảnh hiện đại.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!