Phương pháp, quy trình và kỹ thuật nghiên cứu cơ bản trong khoa học pháp lý

 

 

 

Tác giả: Đỗ Minh Khôi, Dương Hồng Thị Phi Phi, Phạm Thị Phương Thảo

Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Năm xuất bản: 2020

Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 01 - Giá Văn hoá Giáo dục.

Nghiên cứu khoa học là một hoạt động trí tuệ cao, đòi hỏi phải nắm vững phương pháp luận và biết vận dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp với từng bối cảnh và chủ đề mới có thể đạt kết quả tốt. Cho đến nay, đã có nhiều tài liệu nước ngoài viết về phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học pháp lý nói riêng nhưng tài liệu được viết bằng tiếng Việt về vấn đề này còn rất hạn chế. Cuốn sách “Phương pháp, quy trình và kỹ thuật nghiên cứu cơ bản trong khoa học pháp lý” cung cấp những kiến thức và kỹ năng nghiên cứu cơ bản giúp người mới nghiên cứu khoa học pháp lý theo dõi và thực hành hiệu quả.

Trong chương đầu tiên “Những vấn đề chung về nghiên cứu khoa học và khoa học pháp lý” giúp bạn đọc nắm rõ khái niệm nghiên cứu khoa học, loại hình nghiên cứu, đặc trưng của phương pháp nghiên cứu khoa học và khái quát về nghiên cứu khoa học pháp lý.

Chương tiếp theo, các tác giả tập trung phân tích bảy phương pháp nghiên cứu phổ biến trong khoa học pháp lý gồm: phương pháp nghiên cứu lý thuyết luật học, nghiên cứu tình huống, nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu so sánh, nghiên cứu khảo sát, nghiên cứu đánh giá, nghiên cứu thực nghiệm. Không phân tích quá nhiều về lý thuyết, vị trí vai trò, ý nghĩa khoa học của từng phương pháp nghiên cứu mà các tác giả chỉ ra những đặc trưng cơ bản về đối tượng, phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu phù hợp ở mỗi phương pháp. Tôi tin chắc sau khi đọc xong nội dung chương 2 của cuốn sách bạn sẽ lựa chọn được phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu phù hợp với đối tượng nghiên cứu mà bạn hướng tới.

Chương 3 “Quy trình và kỹ thuật trong nghiên cứu cơ bản” hệ thống những kiến thức chung về quy trình, kỹ thuật nghiên cứu bao gồm các bước: chọn lĩnh vực nghiên cứu và xác định đề tài nghiên cứu, tổng quan tình hình nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu,… Bên cạnh phần lý thuyết, bạn đọc có thể thực hành các bước trong quy trình nghiên cứu bằng cách trả lời các câu hỏi, bài tập được đưa ra ở cuối mỗi phần. Với mục tiêu mang đến cho bạn đọc là người mới nghiên cứu, học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành luật, nhóm tác giả đã đưa ra một số gợi ý, hướng dẫn trong việc viết luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ ngành luật trong chương cuối sách. Khi viết luận văn, luận án bạn cần chuẩn bị những gì? Cách viết ra sao? Làm việc với giáo viên hướng dẫn như thế nào? Kỹ năng để bảo vệ luận án, luận văn?

Với văn phong trình bày đơn giản, dễ hiểu cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho những người mới nghiên cứu, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành luật.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!