Bảo đảm quyền của nạn nhân và một số nhóm yếu thế trong tư pháp hình sự từ quy định của pháp luật đến hoạt động của người hành nghề luật

 Tác giả: TS. Lê Lan Chi

  Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia sự thật

  Năm xuất bản: 2022

  Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 - Giá Luật Hình sự

Quyền con người trong tư pháp hình sự là những đặc quyền vốn có cần được tôn trọng và không thể bị tước đoạt. Trên thực tế vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vị trí, vai trò, tính chất và phạm vi quyền con người của từng nhóm chủ thể tư pháp hình sự, trong đó có nạn nhân tội phạm và một số nhóm yếu thế khác. Điều này đặt ra cho pháp luật quốc gia một vấn đề cấp thiết, đó là làm thế nào để quyền của nạn nhân tội phạm và một số nhóm yếu thế trong tư pháp hình sự được thực thi một cách hiệu quả, bảo vệ nạn nhân cả về thể chất lẫn tinh thần? Trong bối cảnh này, TS. Lê Lan Chi đã biên soạn cuốn sách “Bảo đảm quyền của nạn nhân và một số nhóm yếu thế trong tư pháp hình sự từ quy định của pháp luật đến hoạt động của người hành nghề luật” nhằm góp phần nhận diện đầy đủ hơn về hệ thống tư pháp hình sự và các chủ thể của quyền con người, trong đó tập trung phân tích những vấn đề liên quan đến bảo đảm quyền của nạn nhân tội phạm và một số nhóm yếu thế khác từ quy định của pháp luật và đạo đức, kỹ năng của người hành nghề luật.

Cuốn sách gồm 8 chương, nghiên cứu các nội dung sau:

Một số vấn đề về tư pháp hình sự, nạn nhân của tội phạm, quyền con người của nạn nhân tội phạm và một số nhóm yếu thế trong tư pháp hình sự. Tác giả trình bày khái niệm về tư pháp hình sự, nạn nhân của tội phạm; đặc điểm, tiêu chí phân loại nạn nhân của tội phạm. Quyền của nạn nhân tội phạm trong tư pháp hình sự những năm gần đây ngày càng được chú trọng hơn trên thế giới và ở Việt Nam. Theo pháp luật Việt Nam, nạn nhân của tội phạm có các nhóm quyền: Nhóm quyền về bảo đảm an toàn và hỗ trợ cần thiết đối với nạn nhân của tội phạm; các quyền tố tụng của nạn nhân tội phạm như: quyền tiếp cận thông tin về vụ án, quyền có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, quyền tham gia các hoạt động tố tụng và quyền đưa ra các yêu cầu giải quyết vụ án; quyền về bồi thường thiệt hại. Để thấy được sự tiến bộ, nhân văn trong quy định về quyền của nạn nhân tội phạm trong pháp luật hiện hành, tác giả phân tích quyền của nạn nhân tội phạm và việc bảo vệ nhóm đối tượng này trong lịch sử và văn hoá pháp luật Việt Nam.

Nghề luật và hoạt động của người hành nghề luật trong tư pháp hình sự. Người hành nghề luật có vai trò, vị trí quan trọng trong xã hội. Do đó, họ phải là những người có phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm. Trong phạm vi cuốn sách này, tác giả nghiên cứu đạo đức của người hành nghề luật ở trong nước và liên hệ với một số quốc gia khác trên thế giới theo các nhóm sau: Thẩm phán và nghề Thẩm phán;  Công tố viên/Kiểm sát viên và nghề công tố/kiểm sát; Luật sư và nghề luật sư; một số nghề khác trong tư pháp hình sự (điều tra, thi hành án hình sự).

Bảo đảm quyền của nạn nhân tội phạm và một số nhóm yếu thế. Việc ghi nhận và tổ chức thực hiện quyền là hai phương thức bảo đảm quyền cơ bản và quan trọng nhất. Trong cuốn sách này, tác giả phân tích việc bảo đảm quyền của nạn nhân tội phạm theo hướng tiếp cận từ kỹ năng của người hành nghề luật trong các giai đoạn tố tụng hình sự như: giúp đỡ nạn nhân tội phạm tố giác, tin báo về tội phạm và các hoạt động khác trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự; thu thập chứng cứ và các hoạt động khác bảo vệ người bị hại trong giai đoạn điều tra truy tố; giai đoạn xét xử sơ thẩm; giai đoạn xét xử phúc thẩm. Đối với một số nhóm yếu thế, tác giả nghiên cứu cơ chế bảo đảm quyền của phạm nhân nữ trong thi hành án phạt tù và người bị kết án phạt tù bị bệnh hiểm nghèo, rối loại tâm thần và các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Bảo đảm quyền của người bị buộc tội. Xuất phát từ tính nhân đạo của pháp luật, trách nhiệm xã hội của Nhà nước, đối với người bị buộc tội thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý và người dưới 18 tuổi pháp luật được bảo đảm quyền thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý và đối tượng người dưới 18 tuổi bằng các hoạt động của người hành nghề luật.

Bảo đảm quyền của nạn nhân tội phạm trong tư pháp hình sự thể hiện tinh thần lập hiến chủ đạo của Nhà nước Việt Nam. Cuốn sách được tác giả biên soạn chi tiết, phân tích chuyên sâu, không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học pháp lý mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với bạn đọc giúp dễ dàng tra cứu, nắm bắt, làm rõ nội hàm, xác định các phương thức bảo đảm quyền con người trong tư pháp hình sự, cung cấp các cơ sở lý luận cho việc hoàn thiện thể chế, thúc đẩy tiến trình cải cách tư pháp ở Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!