Vấn đề ly hôn trong xã hội Việt Nam hiện đại

 

 

 

Tác giả: Vũ Mạnh Lợi, Trần Nguyệt Minh Thu

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2021

Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 1 – Giá: Xã hội học.

Trong những thập niên trở lại đây, tình trạng ly hôn đang có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Điều này đặt ra nhiều yêu cầu đối với công tác quản lý nhà nước, từ hoàn thiện pháp luật đến việc đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết vụ việc ly hôn, qua đó bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan, góp phần ổn định trật tự xã hội. Cuốn sách Vấn đề ly hôn trong xã hội Việt Nam hiện đại nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực trạng ly hôn ở Việt Nam hiện nay, phân tích hệ quả của ly hôn đối với gia đình và xã hội.

Phần mở đầu, cuốn sách cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về thực trạng ly hôn tại một số quốc gia ở châu Âu (Mỹ, Pháp, Anh), châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam). Thông qua số liệu thống kê, có thể thấy tỷ lệ ly hôn tại các quốc gia đều có xu hướng gia tăng. Phần “Tổng quan tình hình nghiên cứu về ly hôn ở Việt Nam” chỉ ra nguyên nhân, thực trạng ly hôn ở Việt Nam và những hệ quả xã hội của ly hôn.

Tiếp theo, các tác giả đề cập đến một số khái niệm có liên quan, cách tiếp cận, lý thuyết nghiên cứu cùng chính sách pháp luật và vấn đề ly hôn ở Việt Nam qua một số thời kỳ: thời kỳ trước Đổi mới, thời kỳ 15 năm đầu Đổi mới, thời kỳ tăng cường phát triển và hội nhập. Với sự phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội, Luật Hôn nhân và gia đình đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn. Gần đây nhất, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã góp phần giải quyết phần nào hạn chế trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và hướng tới bảo vệ phụ nữ nhằm thiết lập quyền bình đẳng giới, quan tâm tới bảo vệ lợi ích gia đình.

Hai chương cuối sách, các tác giả tập trung làm rõ tình hình ly thân, dự định ly hôn, ly hôn ở Việt Nam; các yếu tố tác động và hệ quả của ly hôn. Nhóm yếu tố tác động phổ biến đến ly hôn bao gồm: mâu thuẫn giữa vợ và chồng, ngoại tình, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, kinh tế, thu nhập, công việc, tính cách. Kết quả của các khảo sát gần đây về đời sống tình cảm, sự an toàn về thân thể, quan hệ với con,… chỉ ra sau khi ly hôn tỷ lệ người thay đổi theo hướng “tốt lên” cao gấp nhiều lần so với hướng “kém đi”. Số liệu này phần nào cho thấy, duy trì cuộc hôn nhân không hạnh phúc vô hình chung chỉ gây mệt mỏi, ly hôn là quyết định đúng đắn sau những chịu đựng, bế tắc của cuộc sống vợ chồng. Tuy nhiên, ly hôn cũng mang tới những xáo trộn và khó khăn nhất định cho vợ, chồng, con cái, cha mẹ họ hàng hai bên và có những tác động tới xã hội.

Ly hôn dù mang ý nghĩa tích cực trên tinh thần tôn trọng quyền tự do cá nhân và giải phóng con người, song trên thực tế đây vẫn là tình huống không mong đợi với mỗi cá nhân khi bước vào cuộc sống gia đình. Qua nghiên cứu thực trạng, tìm hiểu nguyên nhân và đánh giá tác động của ly hôn, nhóm tác giả đưa ra một số khuyến nghị về chính sách nhằm giảm thiểu những yếu tố rủi ro đối với gia đình, hạn chế những tác động không mong muốn của ly hôn, qua đó góp phần ổn định và phát triển xã hội. Can thiệp sớm và liên tục nhằm giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột gia đình là một trong những khuyến nghị được nhóm tác giả đưa ra. Theo các tác giả, thông qua biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, bình đẳng giới, tình yêu, hôn nhân và gia đình giúp thanh niên có lựa chọn phù hợp khi giải quyết các mâu thuẫn trong hôn nhân và gia đình sau này, tránh được sai lầm do thiếu hiểu biết có thể làm trầm trọng thêm mâu thuẫn gia đình. Ngoài ra, các tác giả đưa ra những khuyến nghị về thẩm quyền giải quyết ly hôn, xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, việc áp dụng căn cứ ly hôn để giải quyết các vụ việc ly hôn,…

Cuốn sách Vấn đề ly hôn trong xã hội Việt Nam hiện đại là tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ cho người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập và bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!