Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông theo Luật Hình sự Việt Nam

    Tác giả: TS. Nguyễn Quý Khuyến 

    Nhà xuất bản: Tư pháp

    Năm xuất bản: 2023

    Địa chỉ: Phòng đọc 2 - Giá 18

Cách mạng khoa học – công nghệ đang phát triển nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ số đã và đang làm nền tảng cho sự phát triển của mọi lĩnh vực, đồng thời làm xuất hiện nhiều tội phạm công nghệ thông tin, mạng viễn thông gây ra những tác hại không nhỏ đến trật tự, an toàn xã hội. Thông qua việc nghiên cứu những vấn đề lý luận liên quan của luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam về tội phạm công nghệ thông tin, mạng viễn thông trong giai đoạn 2009 - 2022, cuốn sách: “Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông theo Luật Hình sự Việt Nam” của TS. Nguyễn Quý Khuyến gồm 279 trang chia thành 3 chương sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về chủ đề này.

Chương 1, trình bày những vấn đề chung về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Những vấn đề lý luận như khái niệm, đặc điểm, phân loại tội phạm, cơ sở và ý nghĩa của việc quy định tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông trong Bộ luật Hình sự 2015 được tác giả phân tích đa chiều. Pháp luật quốc tế về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được dẫn chứng cụ thể như: Công ước của Hội đồng châu Âu về tội phạm mạng năm 2001; luật mẫu về tội phạm máy tính và liên quan đến máy tính của Khối thịnh vượng chung năm 2002; Công ước của các nước châu Phi về an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2014; Công ước của các nước Ả Rập về chống tội phạm công nghệ thông tin.

Chương 2, giới thiệu quy định của Luật Hình sự Việt Nam về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Tác giả khái quát lịch sử lập pháp từ cuối năm 2009 trở về trước, giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2017. Các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) từ dấu hiệu pháp lý, hình phạt đối với tội phạm; mặt khách quan, chủ thể, chủ quan của tội phạm đến loại và mức hình phạt của tội phạm; các dấu hiệu định khung của tội. Tội phạm công nghệ thông tin xâm phạm vào các dữ liệu điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông,… xâm phạm quyền sở hữu của người khác, chúng có mục đích rõ ràng, thực hiện có kế hoạch và thông minh. Hình phạt chủ yếu cho loại tội phạm này vẫn là phạt tiền, các hình thức như cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn,… vẫn còn hạn chế do các dấu hiệu để định khung cho tội này còn liên quan đến hành vi phạm tội, hậu quả, liên quan đến nhân thân và đối tượng tác động của tội phạm,…

Chương 3, khái quát về thực tiễn áp dụng và giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của Luật Hình sự Việt Nam về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Thực tiễn áp dụng quy định của luật, kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và những nguyên nhân của hạn chế, khó khăn, vướng mắc được tác giả phân tích đa chiều, dễ hiểu. Nguyên nhân cụ thể là những tồn tại, bất cập trong quy định của luật, từ sự chậm giải thích, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền đến hạn chế trong công tác tổ chức thực hiện. Các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự 2015 được đưa ra gồm: nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực người tiến hành tố tụng; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đấu tranh đối với tội phạm; tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông.

Khi công nghệ thông tin, mạng viễn thông đang phát triển nhanh và được ứng dụng rộng rãi thì tội phạm ngày càng có trình độ cao và tinh vi hơn. Đây là một lĩnh vực mới chưa có nhiều nhà nghiên cứu, lý luận đi sâu tìm hiểu và phân tích thì cuốn sách “Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông theo Luật Hình sự Việt Nam” là một tài liệu vô cùng hữu ích đối với bạn đọc muốn tìm hiểu về lĩnh vực này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!