Thăng Long - Kẻ chợ thời Mạc - Lê Trung hưng

   

    Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ

    Nhà xuất bản: Hà Nội

    Năm xuất bản: 2022

    Địa chỉ tài liệu: Phòng 01 – Giá Lịch sử

Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng là công trình cuối cùng trong bộ sách “Các vương triều trên đất Thăng Long” của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ. Dưới thời Mạc - Lê Trung hưng (1527 - 1788), Thăng Long - Kẻ Chợ đã chứng kiến một giai đoạn lịch sử đầy biến động trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của nước ta. Tất cả đều nói lên sự phức tạp, mâu thuẫn, đan xen giữa mô hình chính trị - hệ tư tưởng với thực thể đời sống. 

Trong cuốn sách này, tác giả đã tái hiện một cách sinh động, toàn diện bức tranh đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng từ chính trị, diện mạo kinh thành đến kinh tế, xã hội, văn hoá thông qua 4 chương.

Chương I: Tác giả tập trung phản ánh về giai đoạn chính trị mà có lẽ duy nhất trong lịch sử Đại Việt khi có hai vua (Lê - Mạc), hai chúa (Trịnh - Nguyễn), và sau đó lại có cả vua lẫn chúa (vua Lê - chúa Trịnh). Sự đan xen của các triều đại và quyền lực trong cuộc sống chính trị của Thăng Long tạo ra những tình huống phức tạp và những cuộc đấu tranh quyền lực không ngừng. Thời điểm này, Đại Việt cũng phải đối mặt với các quốc gia trong khu vực và những đối tác mới từ phương Tây. Sự tương tác với các quốc gia láng giềng và các lực lượng mới đòi hỏi Đại Việt phải điều hành chính sách ngoại giao và đối ngoại một cách khôn khéo để bảo vệ lợi ích quốc gia và duy trì sự ổn định trong khu vực.

Chương II: Đề cập đến quá trình tu sửa, gia cố, mở rộng lũy đất Đại La thành Đại Đô để bao quanh phòng vệ kinh đô Thăng Long trước sự đe dọa tấn cao của triều Lê – Trịnh. Theo dòng lịch sử, số lượng và chức năng của các cửa ô của thành Thăng Long đã dần thay đổi. Tiếp theo là diện mạo, cấu trúc thành Đại Đô, Hoàng thành, Cung thành, quần thể phủ chúa Trịnh, khu dân cư phố phường Kẻ Chợ.

Chương III: Thời kỳ mà Thăng long đã trải qua những sự chuyển biến đáng kể, có sự đồng bộ và cân đối giữa nội thành và ngoại thị, cũng như thủ công nghiệp và thương nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách kinh tế và ngoại thương lại dao động và thiếu nhất quán, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế hàng hóa và thị trường, khiến cho sự hưng khởi đồng thời bị kìm hãm mất ổn định và suy thoái. Thăng Long hiện ra với cảnh vật sôi động của cuộc sống đô thị, nơi mà những hoạt động kinh doanh, buôn bán và sản xuất diễn ra sôi nổi. Dân số đông đúc và đa dạng, tạo nên cấu trúc xã hội phong phú và đẳng cấp từ những người quyền lực và giàu có đến những công nhân lao động. Tổ chức dòng họ, hôn nhân, tang ma và làng xã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng một cộng đồng gắn kết và duy trì trật tự xã hội.

Chương IV: Ở chương này, tác giả nói tới sự thay đổi và cải tiến của văn hoá Thăng Long trên nhiều khía cạnh của đời sống văn hoá. Kinh thành đã trở thành mảnh đất của khoa cử - nơi hội tụ đông đảo các nho sĩ, văn nhân tài tử và những người tinh hoa ưu tú từ khắp nơi. Họ mang theo những lối sống, tâm lý, sắc thái văn hoá từ nhiều nơi hoà trộn cùng nhau, kết tinh thành một bản sắc văn hoá đô thị Thăng Long độc đáo, đời sống vật chất được nâng cao, ứng xử thanh nhã, lịch sự, tinh tế, cầu kỳ, hình thức, xa hoa. Đây được coi là thời đại hoàng kim của văn tự - văn học với sự ra đời của chữ Quốc ngữ.

Là một chuyên gia hàng đầu về giai đoạn lịch sử này, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã đưa ra những bình luận, nhận định hết sức trung thực, khách quan giúp người đọc có được cái nhìn đa chiều, đa diện và đặc biệt là cảm nhận được phần hồn “Kẻ Chợ” đầy hưng thịnh của Thăng Long thời Mạc - Lê Trung hưng. Tác phẩm đã góp phần đáng kể trong việc khám phá và hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa của Thăng Long - Kẻ Chợ trong giai đoạn quan trọng này. Nó cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng quan về sự phát triển và vai trò của Thăng Long - Kẻ Chợ trong lịch sử Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!