Cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước - Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo cho Việt Nam

    Tác giả: TS. Nguyễn Văn Cương

                   ThS. Đinh Công Tuấn

    Nhà xuất bản: Tư Pháp

    Năm xuất bản: 2024

    Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 - Giá Luật Hành chính

Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước Việt Nam đang thực hiện cải cách quan trọng trong lĩnh vực pháp luật và hành chính, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trở thành một trong những nhiệm vụ then chốt trong công tác chỉ đạo, điều hành của bộ máy nhà nước. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ công mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao từ người dân. Chính vì thế, việc hoàn thiện cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước không chỉ là một yêu cầu cấp bách mà còn là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.
Cuốn sách "Cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước - Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo cho Việt Nam" của TS. Nguyễn Văn Cương và ThS. Đinh Công Tuấn không chỉ tập trung vào bối cảnh, thực trạng và các vấn đề còn tồn tại trong công tác đánh giá ở Việt Nam, mà còn giới thiệu kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống hành chính phát triển, qua đó làm cơ sở tham khảo cho việc hoàn thiện cơ chế đánh giá tại Việt Nam.
Cuốn sách được chia thành bốn chương chính, mỗi chương đề cập đến một khía cạnh khác nhau của cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Chương đầu tiên giới thiệu các khái niệm cơ bản liên quan đến cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động của các cơ quan này, hiệu quả hoạt động cũng như cơ chế đánh giá hiệu quả. Những khái niệm này được làm rõ để giúp người đọc có cái nhìn toàn diện và cơ bản về công tác đánh giá trong hệ thống hành chính nhà nước.
Chương hai tập trung vào việc phân tích kinh nghiệm của các quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia, Singapore và Trung Quốc trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Các công cụ và phương thức đánh giá được giới thiệu chi tiết, từ các bộ chỉ số hiệu quả quản trị của chính quyền (GEI) cho đến bộ tiêu chí của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Những bài học kinh nghiệm này không chỉ giúp mở rộng tầm nhìn mà còn cung cấp cơ sở để Việt Nam áp dụng những công cụ phù hợp trong quá trình cải cách hành chính.
Chương ba đánh giá tình hình thực tế tại Việt Nam, phân tích các cơ chế tự đánh giá và đánh giá từ bên ngoài đối với các cơ quan hành chính nhà nước. Các hình thức tự đánh giá, cùng với những chỉ số đánh giá như chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công (SIPAS), đều được làm rõ, giúp người đọc nhận thấy ưu điểm và hạn chế trong quá trình đánh giá tại Việt Nam.
Chương cuối cùng đưa ra những kiến nghị và giải pháp nhằm cải thiện và hoàn thiện cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tại Việt Nam. Các giải pháp tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, xây dựng quy trình, thủ tục đánh giá rõ ràng, minh bạch, và việc bảo đảm tính hiệu quả trong việc thực hiện đánh giá.
“Cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước - Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo cho Việt Nam” là tài liệu thiết thực và có giá trị tham khảo cao trong việc nâng cao chất lượng hành chính tại Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu khắt khe trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!